TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

22 công ty dự kiến có lợi nhuận tăng trưởng quý II theo SSI Research

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh quý II năm nay của 25 công ty. Trong đó, 22 công ty dự kiến có lợi nhuận tăng trưởng.

Các doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương bao gồm: ACB, AST, BID, CTG, DGW, DPM, FPT, GAS, GMD, HDB, IMP, MBB, NT2, PNJ, REE, TCB, TPB, TRA, VCB, VHC, VIB, VSC. Các đơn vị dự kiến sẽ có lợi nhuận giảm bao gồm: HPG, MSB, VEA.

ACB (HoSE: ACB): SSI Research cho rằng ACB đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6 (tăng 10% so với đầu năm, đồng thời tăng 16% so với cùng kỳ).Trong khi đó, áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đối với ACB do tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,7-0,8%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ACB dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ).

Dịch vụ Hàng không Taseco Air (HoSE: AST): Taseco Air đã bắt đầu ghi nhận lãi kể từ tháng 5 năm 2022. Lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 10 tỷ đồng trong quý II. Sự hồi phục của đơn vị này từ nền thấp nhờ thị trường hàng không trong nước mở cửa hoàn toàn kể từ tháng 3, tuy thị trường quốc tế vẫn cần thời gian để cải thiện.

BIDV (HoSE: BID): Lợi nhuận trước thuế trong quý này của BIDV ước tính đạt 5.500 tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ), nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ cải thiện, với nợ xấu ổn định và các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 giảm mạnh

VietinBank (HoSE: CTG): SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của VietinBank trong quý II sẽ đạt 4.600 – 4.700 tỷ đồng (tăng 68% so với cùng kỳ). Cần lưu ý rằng mức tăng trưởng mạnh mẽ này là do mức cơ sở thấp trong quý II/2021.

VietinBank ước tính lợi nhuận tăng

Lợi nhuận VietinBank được dự báo tăng 68%. Ảnh: VietinBank.

Digiworld (HoSE: DGW): Digiworld được kỳ vọng sẽ đạt lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ), thấp hơn so với kế hoạch ban đầu của công ty là 180 tỷ đồng. Doanh thu máy tính xách tay tăng trưởng chậm lại do nhu cầu làm việc, học tập, giải trí tại nhà giảm dần so với mức đỉnh năm ngoái. Lạm phát gia tăng đã làm giảm đáng kể chi tiêu cho hàng tiêu dùng không thiết yếu, và ảnh hưởng đến doanh thu máy tính xách tay và điện thoại di động.

Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM): SSI Research dự báo lợi nhuận trước thuế của Đạm Phú Mỹ có thể đạt 1.250 tỷ đồng (tăng 64% so với cùng kỳ). Mặc dù giá khí đầu vào tăng 55% so với cùng kỳ, nhưng giá bán bình quân của urê cũng tăng 65% trong cùng giai đoạn, do đó giúp lợi nhuận tăng đáng kể.

FPT (HoSE: FPT): Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế quý này dự kiến khoảng 22% so với cùng kỳ, dẫn đầu là mảng dịch vụ CNTT nước ngoài (tăng 28%) và mảng viễn thông (tăng 16%). Doanh thu từ các dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số có thể tăng 58% so với cùng kỳ, điều này có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận trước thuế thêm 20-30 điểm cơ bản.

PV Gas (HoSE: GAS): Theo ước tính sơ bộ của PV Gas, trong 6 tháng, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 54.600 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ) và 6.920 tỷ đồng (tăng 59%). Như vậy, lợi nhuận ròng quý II tăng 49% so với cùng kỳ. Bộ phân phân tích của SSI cũng cho rằng con số chính thức có thể cao hơn.

Gemadept (HoSE: GMD): SSI Research vọng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Gemadept vẫn duy trì tích cực, thấp nhất là đạt mức 30% so với cùng kỳ, nhờ cảng Gemalink tiếp tục tăng sản lượng mạnh mẽ khi đi vào hoạt động tối đa công suất.

HDBank (HoSE: HDB): Tại thời điểm cuối quý, tăng trưởng tín dụng và huy động tại HDBank ở mức cao, lần lượt đạt 15% và 12% so với đầu năm, nhờ đó ngân hàng đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý II. Lợi nhuận trước thuế của đơn vị này ước tính đạt 2.500 – 2.700 tỷ đồng.

Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP): SSI Research kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Imexpharm lần lượt đạt 338 tỷ đồng (tăng 5% so với cùng kỳ) và 54 tỷ đồng (tăng 10% ). Lợi nhuận trong quý cho thấy các đơn hàng đấu thầu thuốc đã băt đầu phục hồi tốt hơn nhờ số lượt khám bệnh tại các bệnh viện phía Nam tiếp tục phục hồi nhanh chóng, gần bằng mức trước dịch Covid. Tuy nhiên, tăng trưởng về sản lượng của các nhà máy vẫn còn tương đối thấp do chậm trễ trong quy trình đăng kí thuốc mới, khiến tốc độ thương mại hóa sản phẩm chậm và nhiều dây chuyền có mức huy động thấp. Trong lúc đó, công ty đã cắt giảm chi phí quản lý và bán hàng để tăng lợi nhuận ròng.

MBB (HoSE: MBB): MBB được kỳ vọng có nhận lợi nhuận trước thuế 5.200 – 5.500 tỷ đồng (tăng 53-64% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ (tăng 15% so với đầu năm hoặc tăng 29% so với cùng kỳ) và NIM cao. CASA cao sẽ hỗ trợ cho ngân hàng khi lãi suất có xu hướng tăng.

Nhơn Trạch 2 (HoSE: NT2): Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt khoảng 160 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ 2021. Kết quả quý 2 khả quan của Nhơn Trạch 2 nhờ giá bán trung bình trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) tăng 27% so với cùng kỳ, và sản lượng Qc tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

PNJ (HoSE: PNJ): Trong quý II, SSI Research kỳ vọng PNJ sẽ đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 7.100 tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ) và 370 tỷ đồng (tăng 69% so với cùng kỳ), nhờ nhu cầu tăng lên đối với hàng tiêu dùng không thiết yếu.

Ree Corporation (HoSE: REE): Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý II dự kiến khoảng 690 tỷ đồng (tăng 80% so với cùng kỳ). Trong đó mảng kinh doanh điện tăng khoảng 300% so với cùng kỳ, trong khi mảng cấp nước đi ngang. Công ty cũng dự kiến mảng văn phòng cho thuê sẽ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ, bù lại mức giảm 42% so với cùng kỳ trong mảng M&E.

Techcombank (HoSE: TCB): TechcomBank đã gần sử dụng hết hạn mức tín dụng kể từ quý I. Do đó, SSI Research cho rằng quý II ngân hàng này sẽ phải xoay sở trong hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại là khá hạn chế. Hoạt động kinh doanh trái phiếu có khả năng không thuận lợi do giao dịch trên thị trường trầm lắng trong thời gian này. Tuy nhiên, do nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay có thể đã được điều chỉnh tăng đối với một số phân khúc để đảm bảo NII tăng trưởng khá. Ước tính TechcomBank có thể đạt lợi nhuận trước thuế 7.000 -7.200 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ).

TPBank (HoSE: TPB): Tính đến cuối tháng 5, tổng tiền gửi tại TPBank đạt 189.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng tăng với tốc độ nhanh hơn (tăng 11,4% so với đầu năm) là 179.000 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng được kiểm soát ở mức xấp xỉ 1%. Cơ sở khách hàng của TPBank đã tăng thêm 1 triệu khách trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, và 40% trong số đó là khách hàng giao dịch trực tuyến. Điều này giúp tổng giá trị giao dịch tăng đáng kể. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ước tính tăng 37% lên 2.200 tỷ đồng.

Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC): SSI Research kỳ vọng Vĩnh Hoàn có thể đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 4.500 tỷ đồng (tăng 10% so với cùng kỳ năm trước) và 600 tỷ đồng (gấp 2 lần năm trước) nhờ nhu cầu phục hồi từ thị trường Mỹ. Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ đạt 4,5 – 5 USD/kg (tăng 60% so với cùng kỳ).

VIB (HoSE: VIB): Ngân hàng được kỳ vọng đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 2.700 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng lợi nhuận sau thuế đơn vị này có thể là 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với 6 tháng đầu năm 2021. Điều này được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng cao (cao hơn 9,5% so với đầu năm) và NIM ổn định khoảng 4,4%.

Viconship (HoSE: VSC): Viconship có thể đạt lợi nhuận trước thuế là 140 tỷ đồng, tăng 17% so với quý II/2021. Tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào sự cải thiện tỷ suất lợi nhuận do giảm tỷ trọng các dịch vị thuê ngoài, đồng thời các cảng chính bao gồm Green và VIP Green đóng vai trò lớn trong cơ cấu doanh thu.

Hoà Phát (HoSE: HPG): Lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát có thể đạt 6.200 tỷ đồng, giảm 36% so với năm ngoái, chủ yếu là biên lợi nhuận giảm trong bối cảnh giá than cốc tăng và sản lượng thép đi ngang so với cùng kỳ.

MSB (HoSE: MSB): SSI Research ước tính MSB có thể đạt 1.600 – 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 14% so với cùng kỳ 2021. Con số này giảm chủ yếu hơn 1.500 tỷ đồng phí trả trước của hợp đồng bancassurance độc quyền được ghi nhận trong quý II/2021.

VEAM (UPCoM: VEA): VEAM có thể đạt doanh thu 1.190 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 1.610 tỷ đồng, giảm 5%. Doanh thu của liên doanh xe máy (Honda) giảm 6% ảnh hưởng từ tình trạng khan hiếm các sản phẩm xe ga như Honda SH, Vision, Lead… Trong khi đó liên doanh ô tô có thể tăng trưởng 13% so với quý II/2021.

Theo Người đồng hành

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button