DOANH NGHIỆPTIN TỨC THỊ TRƯỜNG

VPBank, VIB, Eximbank, SHB… tăng lãi suất tiết kiệm: Lãi suất sắp đồng loạt tăng trở lại?

Trái với diễn biến đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm như trước, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất tại một số kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm 

Kể từ đầu tháng 4 trở lại đây, nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm. Đáng chú ý trong đó có một số ngân hàng tư nhân lớn.

Mới đây nhất, Ngân hàng VIB vừa điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng, tăng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 2,6%/năm. Đây cũng là kỳ hạn gửi tiền duy nhất được VIB điều chỉnh lần này.

Ngày 10/4, ngân hàng VPBank tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài với mức tăng trung bình 0,3 điểm %. Đơn cử như ở kỳ hạn 24-36 tháng, mức lãi suất tiết kiệm trực tuyến của ngân hàng này tăng vượt ngưỡng 5%/năm khi niêm yết ở mức 5,2%.năm. Lãi suất 12-18 tháng cũng tăng lên 4,8%/năm. Trước đó, VPBank là ngân hàng đầu tiên tăng lãi suất huy động ở tất cả các kỳ hạn vào cuối tháng 3.

Ngân hàng KienLong Bank cũng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lãi suất cho tiền gửi các kỳ hạn từ 6-36 tháng kể từ 10/4. Theo đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến các kỳ hạn của KienLong Bank niêm yết ở mức từ 4,4%/năm đến 5,5%/năm.

Ngân hàng NCB cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 4 và 5 tháng với mức tăng lần lượt 0,1-0,2 điểm phần trăm. Theo biểu lãi suất huy động trực tuyến, lãi suất huy động kỳ hạn 4-5 tháng lần lượt tăng lên 3,6-3,7%/năm.

Ngân hàng Eximbank cũng điều chỉnh tăng lãi suất cho kỳ hạn từ 6 – 9 tháng thêm 0,2 điểm % lên mức 4,1%/năm. Ngân hàng SHB tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn 1-2 tháng, 12 -18 tháng với mức tăng trung bình 0,1-0,2 điểm%. Trước đó, MSB và HDBank cũng điều chỉnh lãi suất theo chiều hướng tăng.

Như vậy, chưa đầy nửa đầu tháng 4 đã có 7 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất. Mức tăng chỉ dao động từ 0,1-0,3% và áp dụng ở một số kỳ hạn. Tuy nhiên, lượng ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm giảm vẫn lớn. Theo đó, số lượng giảm nhà băng hạ lãi suất lên tới hơn 10 bao gồm: Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB, TPBank, VIB, Sacombank, SeABank, ABBank, BVBank, SCB, Oceanbank, CBBank,…

Trước đó vào tháng 3, chỉ có 3 ngân hàng điều chỉnh lãi suất tăng nhẹ trong khi lượng ngân hàng giảm lãi suất lên tới gần 30. Khảo sát đến hiện tại, mức lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất đang giữ ở mức 6%/năm, áp dụng tại ngân hàng OCB với kỳ hạn 36 tháng. Tiếp đến, ngân hàng VietBank niêm yết mức tiết kiệm 5,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức lãi suất tiết kiệm cao thứ 3 là 5,7%/năm ghi nhận được tại ngân hàng Saigonbank, áp dụng với kỳ hạn 24 tháng.

Tín hiệu đảo chiều lãi suất tiết kiệm?

Báo cáo tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý I/2024 thực hiện bởi Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, UOB công bố mới đây nhận định: Trong thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giữ lãi suất ổn định.

Chia sẻ tại mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2024 đang diễn ra, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng nhận định, lãi suất đang ở mức đáy. Từ giờ đến cuối năm, mức lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục duy trì ở mức ổn định. Lãi suất tiết kiệm cao trở lại như thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023 sẽ khó xảy ra.

Chung nhận định đó, các chuyên gia kinh tế dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng từ nay đến quý II/2024. Sự điều chỉnh tăng của một số ngân hàng vẫn chỉ diễn ra cục bộ. Nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại, lãi suất tiết kiệm sẽ có xu hướng tăng nhẹ trở lại.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024, lãi suất sẽ dần tăng nhẹ. Mức nền lãi suất huy động thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm để khôi phục, phát triển kinh tế.

Đức Anh

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button