Giá Dầu Tiếp Tục Xuống Dốc, Chạm Đáy 6 Tháng
Giá dầu thế giới giảm về ngưỡng thấp nhất kể từ trước khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra trong bối cảnh nhà đầu tư bắt đầu gia tăng quan ngại về một cuộc suy thoái diễn ra vào cuối năm nay, kéo giảm nhu cầu sử dụng dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu thế giới giảm về ngưỡng thấp nhất kể từ trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra trong bối cảnh nhà đầu tư bắt đầu gia tăng quan ngại về một cuộc suy thoái diễn ra vào cuối năm nay, kéo giảm nhu cầu sử dụng dầu mỏ toàn cầu.
Giá dầu Brent tương lai giảm 2,66 USD/thùng, tương đương 2,75%, xuống 94,12 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 18/2. Giá dầu WTI giảm 2,34 USD, tương đương 2,12%, xuống 88,54 USD/thùng, chạm đáy hơn 6 tháng.
Giá dầu giảm khiến nhiều nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ và châu Âu, thở phào nhẹ nhõm sau một quãng thời gian dài chiến đấu với lạm phát.
Trong năm nay, giá dầu có thời điểm tăng vọt lên đến trên 120 USD/thùng. Nhu cầu dầu mỏ tăng vọt từ sau khi đại dịch Covid-19 thuyên giảm, cùng với đó là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng dầu mỏ trên toàn cầu khi Nga nhân về một loạt các lệnh trừng phạt từ sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine.
Đà bán tháo kéo dài sang ngày thứ hai từ sau khi giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch 3/8 trước những thông tin dự trữ dầu mỏ và xăng tại Mỹ tăng lên dù đang là mùa hè cao điểm lái xe, phản ánh nhu cầu đang suy giảm.
“Qua việc đà bán tháo nối dài từ phiên giao dịch trước đó, cùng với đó là việc giá dầu thủng các ngưỡng hỗ trợ trong phiên giao dịch 4/8, giá mặt hàng này có thể tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới”, theo Giovanni Staunovo, Chuyên gia phân tích đến từ UBS.
“Giá dầu có thể giảm xuống ngưỡng thấp hơn 90 USD/thùng dù nguồn cung vẫn còn hạn chế”, theo Craig Erlam, Chuyên gia phân tích cấp cao đến từ OANDA.
Triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quan ngại suy thoái tại Mỹ và cả châu Âu, nợ công tại các nền kinh tế mới nổi và chiến lược zero Covid của Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất toàn cầu.
Ngày hôm qua, Ngân hàng trung ương Anh tăng lãi suất mạnh nhất hơn 25 năm và đồng thời cảnh báo về một giai đoạn suy thoái kéo dài.
Kim loại quý
Giá vàng tăng hơn 1% lên đỉnh một tháng trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm. Nhà đầu tư cũng đang gia tăng quan ngại về mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.793,34 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 5/7. Giá vàng tương lai tại Mỹ tăng 1,89% lên 1.810,9 USD/ounce.
“Lợi suất trái phiếu giảm nhẹ, cùng với đó là đà suy yếu của đồng USD thời gian gần đây chính là động lực thúc đẩy giá vàng đi lên”, theo David Meger, Giám đốc khối giao dịch kim loại tại High Ridge Futures.
Đồng USD xuống giá khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn so với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu đi xuống giúp kéo giảm chi phí cơ hội trong việc nắm giữ vàng, một loại hình tài sản phi lợi suất.
“Căng thẳng Mỹ – Trung leo thang vài ngày qua, và đó chính là lý do bổ sung cho đà tăng giá của vàng”, Meger nhận định.
Giá vàng cũng được nhận hỗ trợ từ việc số lượng đơn xin thất nghiệp tại Mỹ tăng lên trong tuần vừa qua, phản ánh thị trường lao động đang dần thu hẹp do kinh tế chững lại. Nhà đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm tháng 7, dự kiến công bố ngày 5/8.
Nguồn:Người Đồng Hành.