TIN TỨC THỊ TRƯỜNG

Tăng lương nhưng tổng thu nhập không đổi

Tăng thêm 30% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7. Trong bối cảnh các chính sách khác chưa theo kịp thực tiễn thì lĩnh vực y tế và các doanh nghiệp đang lo ngại về tác dụng ngược khi lương tăng nhưng tổng thu nhập không thay đổi sẽ triệt tiêu động lực cống hiến của người hưởng lương.

 

Sau dịch COVID-19, các bệnh viện vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn, bên cạnh đó, các yếu tố cấu thành dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đúng tính đủ nên thu nhập của nhân viên y tế đang gặp khó khăn. Thực tế trên khiến nhiều đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM băn khoăn, lo lắng trước thềm chính sách cải cách tiền lương tăng thêm 30% có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Lãnh đạo một số bệnh viện cho biết, hiện nay, hầu hết các bệnh viện tại TPHCM hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Nguồn tài chính chi trả cho cải cách tiền lương cũng từ bệnh viện. Chính sách tăng lương thêm đang tạo tâm lý hưng phấn và là động lực để người hưởng lương phát huy tính sáng tạo, cống hiến. Tuy nhiên, nhiều bệnh viện đang lo lắng về tác dụng ngược nếu tiền lương tăng thêm nhưng tổng thu nhập hằng tháng hoặc cả năm gần như không thay đổi.

Thu nhập có thể không đổi dù lương tăng- Ảnh 1.

Nhân viên y tế đang phấn khởi với cơ chế cải cách tiền lương, tuy nhiên trên thực tế nhiều khoản thu nhập tăng thêm sẽ bị cắt giảm. Ảnh: Vân Sơn

PGS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ: “Quỹ tiền lương của bệnh viện như một miếng bánh san qua, sẻ lại. Nếu không tăng phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân thì quỹ tiền lương không thay đổi. Nếu lương cơ sở tăng nhưng nguồn thu của bệnh viện không tăng thì lương tăng thêm và các khoản khác của cán bộ , nhân viên sẽ phải giảm”.

Theo đại diện một số DN, khi tăng lương tối thiểu thì quỹ lương chi trả cho BHXH, BHYT sẽ tăng lên. Ngoài ra, không chỉ thêm mức tăng lương tối thiểu, chi phí đầu vào của sản xuất sẽ tăng theo.

PGS.TS.BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Bệnh viện quận Gò Vấp cho biết, bệnh viện có thể cân đối được thu chi khi cơ chế cải cách tiền lương có hiệu lực. Tuy nhiên, khi nguồn thu của bệnh viện chưa kịp tăng theo chính sách cải cách tiền lương thì nguồn tài chính để phục vụ cho tái đầu tư và các quỹ phát triển sự nghiệp, mua sắm trang thiết bị sẽ không đủ để bổ sung. “Chúng tôi đang rà soát và sẽ công khai minh bạch các khoản thu chi. Tất cả cán bộ nhân viên sẽ nắm được thông tin chi tiết, khi chính sách cải cách tiền lương được áp dụng thì cách tính cụ thể sẽ ra sao, ngân sách của đơn vị sẽ như thế nào, các nhân sự sẽ được nhận thêm lương nhưng những khoản nào sẽ bị cắt giảm…” – ông Siêu nói và cho biết thêm, lãnh đạo bệnh viện phải làm công tác tư tưởng, sau cải cách tiền lương các khoản thu nhập tăng thêm và thưởng có thể sẽ giảm.

Theo BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, lương cơ sở tăng tạo sự phấn khởi trong cán bộ nhân viên vì thời gian qua lương của nhân viên y tế khá thấp. Bệnh viện đang cân đối nguồn tài chính để đảm bảo thu nhập tăng thêm ngoài lương cho toàn thể cán bộ, nhân viên. BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ: Năm đầu cải cách tiền lương có thể bệnh viện sẽ đáp ứng tốt. Tuy nhiên, về lâu dài thì sẽ rất khó khan, bởi hiện nay chưa có giải pháp cụ thể để duy trì hoặc tăng quỹ dự phòng bù vào nguồn chi, khiến quỹ cải cách tiền lương của bệnh viện dần cạn kiệt”.

Theo Vân Sơn – Uyên Phương

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button