Loạt ngân hàng đã được cấp room tín dụng, lãi suất huy động có thể bị “ép” giảm thêm?
Hôm qua, thị trường rộ lên thông tin về một loạt ngân hàng thương mại được NHNN cấp room tín dụng đợt đầu của năm 2023. Theo đó, HDBank được cấp room là 11%, giảm so với 15% của năm 2022. ACB được cấp room tín dụng là 9,8%, so với năm 2022 là 10%; VIB là 9,5%, so với năm ngoái là 10%; TPBank là 9,1, thấp hơn so với năm 2022 là 11,5%; VPBank và MBB cùng ở tỷ lệ là 9% so với năm trước là 15%, MSB là 13,5% so với năm trước là 95%…
Như vậy, trong danh sách những ngân hàng đã lộ diện room tín dụng đợt đầu, đa phần các ngân hàng đều có hạn mức tăng trưởng thấp hơn năm ngoái, ngoại trừ MSB. Thông tin với báo chí, đại diện NHNN cho biết rằng, các con số trên cơ bản là đúng.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN thông báo riêng cho từng ngân hàng và quản lý theo “thông tin nội bộ”.
Về căn cứ cấp room tín dụng, NHNN còn cho biết dựa trên nhiều yếu tố như: kết quả chấm điểm xếp hạng tổ chức tín dụng đến thời điểm gần nhất theo quy định tại Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 (đã được sửa đổi, bổ sung); tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với 100 khách hàng có dư nợ lớn nhất, lãi suất, việc tham gia hỗ trợ xử lý tổ chức tín dụng yếu kém (ngân hàng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân yếu kém), tình hình thực tiễn thị trường…
Trong năm 2022, NHNN đã có 4 đợt cấp room tín dụng của các ngân hàng, trong đó, 3 đợt tiến hành một cách có chọn lọc vào những tháng cuối năm để đảm bảo dòng vốn bơm vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát rủi ro.
Cơ chế cấp room tín dụng đối với những ngân hàng thương mại được NHNN áp dụng từ năm 2011. Hàng năm, NHNN thường dựa trên định hướng tăng trưởng để xem xét cấp hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng vào quý I, rồi sẽ thực hiện điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu điều hành.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 – 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Mục tiêu này nhỉnh hơn đôi chút so với định hướng ban đầu của năm 2022 (14%). Thậm chí, nếu điều kiện thuận lợi thì hạn mức tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng hơn.
NHNN còn cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của từng TCTD; trên cơ sở tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường và đề nghị của TCTD, NHNN sẽ rà soát để xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với TCTD phù hợp với định hướng điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị 01.
Bên cạnh việc cấp room tín dụng đợt 1 cho những ngân hàng, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Theo đó, các ngân hàng TMCP tư nhân phấn đấu giảm lãi suất huy động khoảng 0,5%/năm trong khi khối ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm nhẹ hơn vì đã giảm khá sâu lãi suất huy động thời gian qua.
Giảm lãi suất cũng là một trong các tiêu chí để NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng cho các ngân hàng vào những đợt tới. Hiện nay, lãi suất quá cao đang là một trong những rào cản lớn nhất của nền kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu mặt bằng lãi suất cho vay không thể hạ nhiệt, nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh đình đốn, phá sản, dẫn tới suy thoái kinh tế, nợ xấu gia tăng…
Tại Hội nghị đối thoại kết nối ngân hàng – doanh nghiệp diễn ra hôm qua (28/2), hàng loạt doanh nghiệp than thở vì lãi suất cho vay quá cao.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Thủy sản Thuận Phước cho hay, với lợi nhuận mang lại từ sản xuất không thể bù đắp được cho lãi suất của ngân hàng hiện nay kể cả khi ngân hàng đó giảm lãi suất.
Ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch hội Dệt may thêu đan TP. HCM cũng nhắc đến tình trạng các doanh nghiệp rất cần vay vốn trong dịp đầu năm để hoạt động, nhưng nhiều quy định cho vay siết chặt hơn cũng như lãi suất lên cao trong khi ngành dệt may vẫn đang sụt giảm đơn hàng từ 30 – 40% và lợi nhuận trên từng đơn hàng cũng lao dốc.