Thủ tướng: Quyết tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
Sáng ngày 19/03, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh”.
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã phối hợp tổ chức.
Phát biểu trong sự kiện, Thủ tướng cho rằng thời gian sắp tới, phản ứng chính sách của các nước, thị trường bị thu hẹp, những diễn biến địa chính trị, xung đột ở một số nơi, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… sẽ tiếp tục tác động đến Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, Việt Nam hiện là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng vẫn còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại vẫn đang còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, “khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt”
Điều quan trọng đó là các bên giữ vững bản lĩnh, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, nhận diện được vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp, hợp tác bền chặt, lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nếu cấu trúc hài hòa này bị phá vỡ thì hợp tác không thể bền vững.
Đồng thời, Thủ tướng cũng mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế cũng như chính trị.
Thủ tướng đã khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Quan tâm cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan. Triển khai đồng bộ, hiệu quả những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực…).
Cùng với đó, phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng (thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài chính – tiền tệ, chứng khoán; quyền sử dụng đất, bất động sản, khoa học – công nghệ, lao động, mua sắm công…).
Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước (đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý; bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…). Cũng như tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tận tuỵ, thân thiện, giải quyết dứt điểm các công việc, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Nguồn: Vietstock