Nhà đầu tư nước ngoài đề xuất bỏ quy định lãi tiền gửi đô la Mỹ tối đa 0%
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 25, đại diện AmCham kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên kiểm soát tốc độ tăng tín dụng của từng ngân hàng dựa trên những công cụ khác thay vì biện pháp hành chính. Kocham và Britcham cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ quy định về lãi tiền gửi đô la Mỹ lãi suất tối đa 0% đối với các doanh nghiệp đang gửi đô la hay đầu tư trực tiếp (FDI).
Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Ngân hàng Nhà nước bãi bỏ quy định về lãi tiền gửi đô la Mỹ lãi suất tối đa 0% đối với những doanh nghiệp đang gửi đô la hoặc đầu tư trực tiếp (FDI). Ảnh minh họa: TL
Theo VCCI, Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) lần thứ 25, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên bỏ dần kiểm soát hành chính trong việc thiết lập hạn mức tăng trưởng cho toàn hệ thống ngân hàng, thay vào đó là sử dụng công cụ khác như kiểm tra sức chịu đựng để kiểm soát tăng trưởng tín dụng.
Amcham đã cho rằng, tổ chức tài chính nên được giám sát dựa trên các tỷ lệ đảm bảo an toàn, công cụ này cho phép Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong việc quản lý lĩnh vực này, đồng thời cũng có đủ tính linh hoạt cho các ngân hàng có mức tài sản thấp và danh mục đầu tư chất lượng cao.
TTXVN đưa tin, liên quan đến kiểm soát tín dụng và lãi suất, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc (KoCham) nêu quan điểm, do quy định lãi suất huy động đô la Mỹ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (lãi suất 0%) có hiệu lực từ tháng 12-2015, các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam liên tục chịu chi phí cơ hội liên quan đến tiền gửi bằng đô la.
Trong khi đó, như các công ty sản xuất của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam thường nhập khẩu nguyên liệu thô từ bên ngoài, sau đó xuất khẩu thành phẩm ra nước ngoài, nên việc giữ một mức ký quỹ nhất định bằng đô la Mỹ là điều rất cần thiết.
Ông Hong Sun, Chủ tịch KoCham e ngại, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25-4,50% năm 2022 và các đợt tăng tiếp theo vào năm 2023, lãi suất cao dự kiến sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian đáng kể, chi phí cơ hội của tiền gửi đô la Mỹ đối với những công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam đang tăng nhanh, trở thành gánh nặng cho hoạt động kinh doanh.
Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) cũng đồng quan điểm, cho rằng việc không áp dụng tính lãi đối với tài khoản ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền ra nước ngoài khi nhận được những khoản ngoại tệ lớn thay vì để trong một tài khoản không có lãi hoặc chuyển đổi khoản tiền đó sang Việt Nam đồng.
Do đó, Kocham và Britcham đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét lại các quy định để đảm bảo môi trường cạnh tranh. Nên bãi bỏ quy định về lãi tiền gửi đô la Mỹ lãi suất tối đa 0% đối với các doanh nghiệp đang gửi đô la hoặc đầu tư trực tiếp (FDI) của tiền gửi đô la Mỹ ở một quy mô nhất định hoặc trên một quy mô nhất định, song vẫn tuân thủ nền tảng và mục đích của các quy định liên quan.
Nguồn: thesaigontimes