Đường giảm lãi suất liệu có gập ghềnh hơn?
Có một số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua đã nới lỏng tiền tệ quá nhanh, có khả năng kéo theo những bất ổn tiềm tàng đến tỷ giá và luồng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý đó là thời gian gần đây, một số yếu tố mới đã xuất hiện có thể trở thành rào cản cho đường đi xuống của lãi suất trong thời gian đến.
Kỳ vọng tiếp tục giảm
Trong báo cáo phát hành mới đây, ngân hàng HSBC đã dự báo Việt Nam tương lai có khả năng còn một đợt giảm lãi suất điều hành nữa, sau khi đã hành động cắt giảm lãi suất trước các nước ASEAN. Theo Ngân hàng toàn cầu này, trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn chưa phát tín hiệu ngừng tăng lãi suất, những nước ASEAN có mức độ tự do khác nhau trong chính sách tiền tệ để đưa ra động thái khác với Fed, nhưng Việt Nam lại là trường hợp đặc biệt với các vấn đề trong nước được đặt nặng hơn so với các vấn đề bên ngoài.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, những lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Trước đó hồi giữa tháng 7, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng phấn đấu giảm ít nhất từ 1.5 – 2%/năm áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Về phần mình, từ đầu quý 3 tới nay, các nhà băng tiếp tục giảm lãi suất huy động đầu vào, kéo mặt bằng lãi suất tiền gửi hiện đã rớt về gần với mức thấp trước thời điểm tháng 9 năm ngoái. Đơn cử như trong tuần cuối tháng 7, nhóm ngân hàng gốc Nhà nước đã tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng chỉ còn 3.3%/năm, tiệm cận mốc 3.1% vào thời điểm tháng 7 năm ngoái và cũng đang thấp hơn rất nhiều so với trần lãi suất huy động các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng được cho phép là 4.75%/năm. Ở nhóm NHTM cổ phần tư nhân, xu hướng giảm lãi suất diễn ra ở cả kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài.
Tiếp đó vào đầu tháng 8 này, chỉ sau 1 tuần giảm lãi suất tiền gửi, Vietcombank tiếp tục công bố triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay lần 3 trong năm 2023. Cụ thể, nhà băng này giảm tới 0.5%/năm lãi suất cho vay VND đối với toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp với thời gian áp dụng trong 5 tháng từ ngày 01/08/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Tương tự, BIDV cũng vừa công bố chính sách giảm lãi suất cho vay thêm 0.5%/năm so với lãi suất hiện hành, đánh dấu lần giảm lãi suất cho vay thứ 2 trong năm nay đối với khách hàng có dư nợ hiện hữu.
Nhóm NHTM tư nhân cũng đã chứng kiến các điều chỉnh giảm lãi suất cho vay gần đây, thể hiện qua các gói cho vay ưu đãi mới hàng ngàn tỷ đồng được triển khai ồ ạt hoặc tăng thêm quy mô ở những chương trình đang triển khai. Đây cũng chính là chiến lược mà các nhà băng đang muốn thúc đẩy tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Có thể kể đến các nhà băng như MSB, Sacombank, OCB, LPBank, ACB, BVBank,…Theo số liệu từ NHNN, lãi suất cho vay phát sinh mới bình quân tiếp tục giảm còn 8.6%/năm, giảm 1.3%/năm so với cuối năm ngoái.
Theo dự báo của Công ty chứng khoán VNDirect, lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì đà giảm trong nửa cuối năm 2023. Trong đó, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể giảm xuống mức 6.0-6.2%/năm vào cuối năm 2023, trong bối cảnh lãi suất điều hành liên tục giảm xuống trong những tháng qua, cầu tín dụng đang yếu, chính sách mở rộng tài khóa và nới lỏng tiền tệ tiếp tục được duy trì. Đáng lưu ý đó là các tổ chức như ngân hàng UOB, Standard Chartered cùng đưa ra dự báo NHNN sẽ giảm thêm 0.5% lãi suất điều hành trong nửa cuối năm nay.
Đường đi có gập ghềnh?
Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng NHNN thời gian qua đã nới lỏng tiền tệ quá nhanh, mà có thể kéo theo những bất ổn tiềm tàng đến tỷ giá và luồng dịch chuyển của dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý là thời gian gần đây, một số yếu tố mới đã xuất hiện có thể trở thành rào cản cho đường đi xuống của lãi suất trong thời gian tới.
Áp lực lạm phát có thể gia tăng trở lại, trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu có dấu hiệu tăng nhanh gần đây. Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu do các căng thẳng địa chính trị và tác động của El Nino đang thúc đẩy một số quốc gia không chỉ tăng cường tích trữ lương thực, mà còn hạn chế xuất khẩu, đẩy giá các mặt hàng này tăng vọt. |
Đầu tiên là áp lực lạm phát có thể gia tăng trở lại, trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu có dấu hiệu tăng nhanh gần đây. Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu do các căng thẳng địa chính trị và tác động của El Nino đang thúc đẩy một số quốc gia không chỉ tăng cường tích trữ lương thực, mà còn hạn chế xuất khẩu, đẩy giá các mặt hàng này tăng vọt. Gần đây, Ấn Độ – quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đã ban hành lệnh cấp xuất khẩu gạo, sau đó đến Nga và Các Tiểu vương quốc Arập p thống nhất (UAE), đã đẩy giá gạo ở châu Á tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008.
Một mặt hàng lương thực khác là lúa mì cũng trở nên khan hiếm sau khi Nga quyết định rút khỏi Thỏa thuận Ngũ cốc Biển Đen và bắt đầu triển khai lực lượng nhắm mục tiêu vào các cảng và cơ sở hạ tầng ngũ cốc của Ukraine trên Biển Đen và sông Danube. Hệ quả là số lượng lớn ngũ cốc bị thiêu rụi, hư hỏng khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng vọt.
Bên cạnh đó, mưa lũ ở Trung Quốc gần đây càng gây áp lực tăng giá lên các mặt hàng lương thực. Theo nhận định mới đây của hãng Fitch Ratings, mưa lớn ở khu vực đông bắc Trung Quốc – vùng sản xuất ngũ cốc quan trọng, không chỉ sẽ làm giảm sản lượng gạo mà có khả năng gây áp lực làm cho giá gạo toàn cầu vốn đã cao sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa. Các mặt hàng như ngô và lúa mì cũng bị ảnh hưởng. Trong khi đó, giá các mặt hàng thực phẩm như thịt heo cũng có dấu hiệu tăng .
Ngoài ra, giá năng lượng toàn cầu cũng đang trong xu hướng đi lên. Giá dầu đã tăng gần 30% kể từ cuối tháng 6 đến nay, đặc biệt, đà tăng mạnh diễn ra sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng từ tháng 7. Báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, thị trường dầu sẽ thâm hụt khoảng 640,000 thùng/ngày trong quý III và 120,000 thùng/ngày trong quý IV. Nhiều tổ chức dự báo triển vọng của thị trường dầu trong giai đoạn tới sẽ còn tiếp tục đi lên.
Thứ hai, tỷ giá cũng có dấu hiệu bật tăng trong những tuần gần đây, cũng mang đến những lo ngại nhất định. Với khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm một lần nữa trong cuộc họp tháng 9 tới, đồng USD đang được hỗ trợ tiếp tục đi lên trên thị trường quốc tế. Tỷ giá tăng không chỉ góp phần gây áp lực lên lạm phát, do lúc này hàng nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn, mà còn kìm hãm mục tiêu kéo giảm lãi suất tiền đồng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (GSO), chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 vừa qua tăng 0.45% so với tháng trước, là mức tăng cao thứ hai của tháng 7 trong 5 năm gần đây, chỉ sau mức tăng 0.62% của năm 2021. Theo GSO, việc giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt tăng khi nhu cầu tăng cao vào mùa du lịch là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tăng.
Trong tình hình mới này, có thể thấy lộ trình giảm lãi suất sắp tới sẽ gập ghềnh hơn rất nhiều so với giai đoạn những tháng vừa qua. Là một trong những yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến lãi suất, lạm phát cho thấy những khả năng biến động khó lường do ảnh hưởng bởi tình hình thế giới.
Nguồn: Vietstock