Cơ sở nào để giảm thêm lãi suất điều hành?
Ngân hàng Nhà nước dường như muốn gia tăng liều lượng chính sách trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng cao như trước.
Gia tăng liều lượng?
Sẽ cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành, đó chính là chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng trong “Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ” được tổ chức ngày 11-5-2023. Người đứng đầu NHNN cũng đánh giá việc điều hành chính sách tiền tệ phải đánh đổi giữa những mục tiêu, nhằm duy trì lạm phát thấp, ổn định tỷ giá.
Trước đó, chỉ trong nửa cuối tháng 3-2023, NHNN đã có hai lần giảm lãi suất điều hành, góp phần kéo mặt bằng lãi suất tiền gửi tại những ngân hàng đi xuống nhanh sau đó. Giờ đây, cơ quan này dường như đang muốn gia tăng liều lượng chính sách trong bối cảnh nền kinh tế hiện vẫn đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng cao như trước, hoạt động của những doanh nghiệp vẫn rất khó khăn trong khi nợ xấu ngành ngân hàng đứng trước nguy cơ gia tăng trở lại.
Số liệu đã cho thấy trong bốn tháng đầu năm 2023 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đó là 77.000 doanh nghiệp, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước. Các điều kiện kinh doanh tiếp tục bị thu hẹp khi chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam cũng đã quay đầu giảm trở lại từ mức 47,7 trong tháng 3 xuống 46,7 trong tháng 4 vừa qua, đánh dấu tháng thứ 5 dưới mốc 50 trong sáu tháng trở lại đây.
Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành ngân hàng đã tăng từ mức 2% lên 2,91% tính đến cuối tháng 2-2023. Còn báo cáo tài chính quí 1 cho thấy nhiều ngân hàng chứng kiến nợ xấu có dấu hiệu tăng trở lại, trong đó một số ngân hàng lần đầu tiên sau nhiều năm ghi nhận tỷ lệ nợ xấu vượt ngưỡng 3% trở lại.
Trước tình hình này, dễ hiểu vì sao nhà điều hành trở nên “sốt ruột”. Do vậy, ngoài việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về việc tái cơ cấu nợ của các ngân hàng là một trong các giải pháp hỗ trợ kịp thời, mục tiêu kéo lãi suất giảm thêm để nhằm giảm bớt rủi ro cho nền kinh tế cũng rất quan trọng.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã dự báo NHNN có thể giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quí 2-2023, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho tới cuối năm 2025. Tuy nhiên, tổ chức này nhận định cũng có thể xảy ra tình huống lãi suất sẽ tăng, đặc biệt là vào cuối năm, do là NHNN có thể sẽ chú trọng vào sự ổn định của thị trường tài chính hơn là tăng trưởng.
Thực tế chưa cần đến động thái giảm thêm lãi suất điều hành của NHNN, một số ngân hàng lớn đã rục rịch giảm thêm lãi suất tiền gửi trong những ngày gần đây, đi đầu vẫn là nhóm ngân hàng thương mại gốc quốc doanh. Cụ thể, biểu lãi suất tiền gửi mới của Vietcombank từ ngày 12-5-2023 áp dụng tại quầy chứng kiến kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 4,6%/năm, kỳ hạn 3 tháng giảm 0,3 điểm phần trăm xuống 5,1%/năm; đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh giảm 0,2 điểm phần trăm xuống 7,2%/năm.
Tương tự, Agribank cũng giảm đồng loạt 0,2-0,3 điểm phần trăm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tại quầy kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,2 điểm phần trăm xuống còn 7%/năm. Đồng thời, Agribank cũng giảm 0,3 điểm phần trăm lãi suất tại các kỳ hạn 1-2 tháng xuống chỉ còn 4,9%/năm và 3-5 tháng xuống còn 5,1%/năm.
Trước đó, bốn ngân hàng có vốn nhà nước đã cam kết đồng thuận với chủ trương của Chính phủ và NHNN trong việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
Tín hiệu định hướng
Việc các ngân hàng thương mại gốc quốc doanh đi đầu giảm lãi suất tiền gửi được xem là công cụ định hướng cho thị trường, phát tín hiệu khả năng lãi suất điều hành giảm thêm là có sơ sở, nhất là khi khung lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng của các ngân hàng này hiện cách xa so với mức trần lãi suất tiền gửi theo quy định là 5,5%/năm.
Trong khi đó, bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện nay cũng có không ít yếu tố hỗ trợ cho một bước nhấn giảm thêm lãi suất điều hành.
Đầu tiên là lạm phát sau những lo sợ vào cuối năm ngoái, thực tế những tháng đầu năm nay áp lực đã giảm xuống đáng kể, hay không muốn nói là có tín hiệu đảo chiều và diễn biến không còn quá đáng ngại.
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2023 giảm 0,34% so với tháng trước. So với tháng 12-2022 CPI tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%. Bình quân bốn tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước. Dù lạm phát cơ bản tăng 4,9%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%), nhưng nếu so với mức đỉnh điểm 5,21% vào tháng 1-2023, xu hướng của lạm phát cơ bản trong bốn tháng qua cũng cho thấy tín hiệu đi xuống tương tự.
Thứ hai, tuy tổng giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch nhập khẩu giảm lớn hơn nhiều so với xuất khẩu, giúp cho cán cân thương mại hàng hóa bốn tháng đầu năm nay thặng dư kỷ lục 6,35 tỉ đô la Mỹ. Cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 5,85 tỉ đô la, dòng vốn đầu tư gián tiếp tăng mạnh hơn 70% so với cùng kỳ năm trước lên 3,11 tỉ đô la và lượng kiều hối tiếp tục tăng trưởng, nguồn cung ngoại tệ dồi dào giúp tiền đồng tăng giá tạo điều kiện cho nhà điều hành mua ròng ngoại tệ từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, theo chia sẻ mới nhất từ người đứng đầu NHNN, từ đầu năm đến nay cơ quan này đã mua vào 6 tỉ đô la Mỹ, tương ứng bơm ra hơn 140.000 tỉ đồng. Lượng thanh khoản tiền đồng bơm ra mạnh mẽ như thế giúp lượng cung ứng tiền trong nền kinh tế nói chung và hệ thống các ngân hàng nói riêng có thể dồi dào hơn, tạo điều kiện kéo giảm thêm lãi suất khi cần thiết. Đặc biệt xu hướng mua ròng ngoại tệ để khôi phục lại kho dự trữ ngoại hối dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn tới, càng hỗ trợ cho một kịch bản giảm thêm lãi suất điều hành.
Thứ ba là tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay vẫn chậm chạp và chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng. Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 4 so với đầu năm nay chỉ mới đạt hơn 3%, chưa đến một nửa mức tăng hơn 7,2% của cùng kỳ tháng 4-2022 và cũng thấp hơn mức gần 4,2% của cùng kỳ tháng 4-2021, thời điểm nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid- 19.
Về hoạt động huy động vốn, dù tăng trưởng tiền gửi vẫn đang thấp hơn tăng trưởng tín dụng, nhưng đi sâu vào chi tiết cho thấy cơ cấu tiền gửi có sự chuyển dịch theo hướng ổn định và bền vững hơn. Cụ thể, theo dữ liệu cập nhật gần nhất từ trang web của NHNN, tăng trưởng tiền gửi của toàn hệ thống đến cuối tháng 2-2023 chỉ tăng 0,32% (theo Tổng cục Thống kê đến ngày 20-3-2023 tăng 0,77%), nhưng tiền gửi của dân cư tăng mạnh 5,36% trong khi tiền gửi của tổ chức giảm 5,68%.
Nguồn: Vietstock