CPI Mỹ tăng 7.1%, hạ nhiệt đáng kể so với tháng trước
Giá cả tăng yếu hơn dự báo trong tháng 11/2022, chính là dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát Mỹ đã hạ nhiệt.
Trong tháng 11/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 0.1% so với tháng trước và tăng 7.1% so với cùng kỳ, Bộ Lao động cho biết trong ngày 13/12. Các chuyên gia kinh tế đã tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones dự báo CPI tăng 0.3% so với tháng trước và 7.3% so với cùng kỳ. Tháng 10/2022, CPI Mỹ tăng 7.7% so với cùng kỳ.
Dù vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% của Fed, nhưng đây là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 11/2021.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi dự báo ở mức tương ứng 0.3% và 6.1%.
Chứng khoán Mỹ bật tăng mạnh sau báo cáo trên, với hợp đồng tương lai Dow Jones tăng dựng đứng 800 điểm trước khi hạ nhiệt trở lại.
Đà giảm của giá năng lượng đã góp phần kìm hãm lạm phát. Chỉ số năng lượng giảm 1.6% so với tháng trước, vì giá xăng giảm 2%. Tuy nhiên, giá thực phẩm tăng 0.5% so với tháng trước và tăng 10.6% so với cùng kỳ. Ngay cả với mức giảm của tháng 11/2022, chỉ số năng lượng vẫn cao hơn 13.1% so với tháng 11/2021.
Chi phí nhà ở, vốn chiếm 1/3 tỷ trọng CPI, tiếp tục leo thang với mức tăng 0.6% so với tháng trước và tăng 7.1% so với cùng kỳ.
Báo cáo CPI tháng 11 được đưa ra trong cùng ngày Fed tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày. Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ tăng 0.5 điểm phần trăm tại cuộc họp lần này, bất chấp báo cáo lạm phát mới nhất.
Lạm phát đã bắt đầu tăng vọt trong mùa xuân năm 2021 và sau đó lên mức cao nhất kể từ thập niên 80.
Nằm trong các yếu tố tác động đó là sự mất cân bằng cung cầu do đại dịch COVID-19, cũng như cuộc chiến Nga-Ukraine và đà leo thang của giá năng lượng. Ngoài ra, hàng ngàn tỷ USD từ gói kích thích tài khóa lẫn tiền tệ đã tạo ra dòng vốn dồi dào trong khi lượng hàng hóa bị thiếu hụt (do đứt gãy chuỗi cung ứng).
Chỉ số CPI tổng thể đạt đỉnh quanh 9% trong tháng 6/2022 và đã giảm tốc kể từ đó.
Nguồn: Vietstock