Cuộc ‘săn’ cổ phiếu và dòng vốn tích cực từ khối ngoại
Nhiều cổ phiếu bất ngờ nhận được dòng vốn tích cực đến từ khối ngoại, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng, mặc dù thị trường chung đi xuống trong tháng 10 vừa qua.
Giao dịch khối ngoại bất ngờ sôi động hơn trong bối cảnh VN-Index giảm mạnh. Ảnh minh họa: L.Vũ.
Vốn ngoại bất ngờ chảy vào mạnh
Theo số liệu đến từ Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), giao dịch các nhà đầu tư nước ngoài đã bất ngờ trở nên sôi nổi hơn trong tháng 10. Theo đó, tổng giá trị giao dịch khối ngoại chiếm tới hơn 10,32%, cao hơn nhiều so với con số 6-8% trong những tháng trước đây. Con số này có thể được giải thích một phần tâm lý lo ngại của những nhà đầu tư cá nhân trong nước khi mà thị trường đi xuống, nhưng dòng tiền khối ngoại thực tế cũng năng động hơn các trong tháng qua.
Thống kê cho thấy rằng khối ngoại trong tháng 10 đã bán ròng 81 triệu đô la trên sàn HOSE, tuy nhiên nếu như không tính đến giao dịch thỏa thuận đột biến của EIB, thực tế vốn ngoại mua ròng lên đến hơn 2.000 tỉ đồng, theo Công ty chứng khoán SSI.
Sự tích cực của dòng vốn ngoại trong tháng 10 qua đều đến từ các quỹ ETF và các quỹ đầu tư chủ động trên thị trường.
Theo đó, các quỹ ETF mua ròng trị giá khoảng 41 triệu đô la, trong đó chủ yếu tới từ quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF (35 triệu đô la), quỹ VanEck Vietnam ETF (6 triệu đô la). Tính từ đầu năm, dòng vốn ròng từ các quỹ ETF là khoảng 371 triệu đô la, trong đó Fubon mua ròng 288 triệu đô la, theo SSI.
Như vậy, dòng vốn ETF ghi nhận sự đảo chiều của dòng tiền sau nhiều tháng bị rút ròng. Các quỹ khác như VNDiamond hoặc VFM VN30 đều duy trì lượng vốn vào khá tốt, ngược lại giá trị rút ròng ở một số quỹ khác không đáng kể, từ đó phần nào giúp giảm bớt đà giảm chung của VN-Index.
“Tháng 10 được đánh giá một trong những tháng thành công của các quỹ ETF với tổng giá trị dòng vốn vào ròng lên đến 3.134 tỉ đồng, cao thứ hai kể từ đầu năm 2022 (chỉ sau tháng 5). Lũy kế từ đầu năm, các quỹ ETF đã thu hút thêm 11.412 tỉ đồng”, báo cáo của SSI đánh giá.
Tương tự, dòng tiền từ các quỹ chủ động đã tích cực hơn trong tháng 10. Theo đánh giá của SSI, các quỹ chủ động giải ngân thận trọng hơn so với quỹ ETF nhưng tích cực hơn vào những giai đoạn cuối tháng. Tổng giá trị vào ròng ghi nhận khoảng gần 700 tỉ đồng, là mức cao nhất kể từ tháng 7-2021, đồng thời giúp thu hẹp lượng rút ròng kể từ đầu năm, chỉ còn hơn 1.300 tỉ đồng.
“Diễn biến dòng tiền của các quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán tháng 10 tích cực hơn so với kỳ vọng, sau mức sụt giảm mạnh của thị trường xuất phát từ các yếu tố bất ngờ nội tại”, báo cáo của SSI nhận định.
Cổ phiếu thực phẩm, ngân hàng được để ý
Diễn biến tích cực hơn của khối ngoại diễn ra trong bối cảnh chỉ số VN-Index lần đầu tiên giảm trở lại, xuống dưới 1.000 điểm sau hai năm.
Theo đó, chỉ số VN-Index trong tháng 10 đã giảm 9,2% so với tháng trước, đồng thời là tháng giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh lãi suất điều hành tăng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chững lại.
Theo thống kê chung, nhóm ngành đồ uống là nhóm cổ phiếu tăng duy nhất trong tháng qua, với mức tăng 5,1% so với tháng trước nhờ dòng vốn ngoại.
Ngược lại, các nhóm giảm mạnh chủ yếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản, liên quan đến lĩnh vực tài chính do ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô, các nhóm ngành ngược chu kỳ cũng bị bán mạnh.
Theo SSI đánh giá, khối ngoại đã tích cực mua ròng vào các nhóm ngành có nền tảng cơ bản, triển vọng tích cực nhưng định giá có phần nào bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến thị trường như bán lẻ hàng thiết yếu, bất động sản khu công nghiệp và ngân hàng.
Trong số này, nhóm cổ phiếu ngân hàng là một điểm nhấn trong tháng 10 với nhiều diễn biến đáng chú ý.
Theo thống kê của KTSG Online, trong tháng 10, trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu được mua ròng khớp lệnh trên sàn nhiều nhất là SHB (hơn 14,7 triệu cổ phiếu), CTG (hơn 5,8 triệu cổ phiếu), VCB (hơn 3,5 triệu cổ phiếu). Xét theo giá trị khớp lệnh ròng thì VCB dẫn đầu (244 tỉ đồng) do thị giá lớn, tiếp theo là cổ phiếu SHB (hơn 150 tỉ đồng) và CTG (124 tỉ đồng)..
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất là STB, lên đến 29,8 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 520 tỉ đồng. Còn nếu tính chung thêm cả quí 3 thì SHB vẫn dẫn đầu lượng mua ròng với tổng giá trị mua ròng 4 tháng liên tục lên đến gần 26 triệu cổ phiếu, tiếp theo là HDB với hơn 19 triệu cổ phiếu.
Trên thực tế cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua cũng giảm đồng loạt vì ảnh hưởng chung của thị trường và các yếu tố vĩ mô trực tiếp như lãi suất và tỷ giá. Tuy nhiên trong tháng 10, khi thị giá xuống thấp, lực cầu bắt đáy xuất hiện và nhiều cổ phiếu ngân hàng phục hồi đáng kể.
Chẳng hạn như ở trường hợp SHB, thị giá cổ phiếu xuống mức 9.400 đồng/cổ phiếu ngày 11-10 nhưng sau đó nhanh chóng bật mạnh lên lại 11.500 đồng/cổ phiếu (tương ứng tăng 22,3%) và tiếp tục giữ vùng này cho đến cuối tháng 10. Tính chung trong tháng 10 thì thị giá SHB giảm 8%, vẫn thấp hơn mức giảm so với VN-Index.
Trên thực tế, đã nhiều thông tin hỗ trợ giúp giá cổ phiếu ngân hàng phục hồi vào thời điểm cuối tháng 10 cho đến nay. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 4-11, nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng giá tính theo tuần như MSB (tăng 5%), TCB (tăng 5%), VPB (4%), SHB (tăng 2%).
SHB là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại để ý trong thời gian gần đây, đặc biệt là một số quỹ ETF liên tục gia tăng tỷ lệ nắm giữ. Theo dự báo và ước tính của SSI mới đây, các quỹ có thể tăng cường khối lượng cổ phiếu SHB trong danh mục trong thời gian tới.
Nhìn chung, ở góc độ các quỹ ETF thì việc cổ phiếu ngân hàng lọt thêm vào rổ danh mục là dựa vào các tiêu chí về quy mô vốn hóa, thanh khoản và các yếu tố tài chính, có thể đại diện cho diễn biến ngành.
Còn ở góc độ đầu tư theo triển vọng cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, đánh giá chung của các quỹ đa phần hiện nay đều nhìn nhận dựa trên câu chuyện tích cực của tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ tạo lợi nhuận trong khi định giá thị trường đang ở mức thấp.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng có thông tin về câu chuyện riêng hỗ trợ tăng giá cổ phiếu, chẳng hạn như SHB mới đây là việc chia cổ tức tỷ lệ 15%, hay VPB dự định sẽ mua cổ phiếu quỹ. Trong năm 2023, khối ngoại còn đánh giá tiềm năng cổ phiếu ngân hàng từ câu chuyện mở thêm “room” cho nhà đầu tư nước ngoài và các cổ đông chiến lược mới.
Kỳ vọng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn vẫn tương đối lớn, đồng thời là yếu tố hỗ trợ xu hướng dòng tiền vào thị trường, ít nhất trong tháng 11. “Tuy nhiên, trong trường hợp rủi ro vĩ mô tăng dần, dòng tiền đầu tư sẽ nhanh chóng đảo chiều rút vốn khỏi Việt Nam”, báo cáo SSI nhận định.
Nguồn: thesaigontimes