Đồng loạt tăng mạnh từ đáy, định giá cổ phiếu nhóm chứng khoán liệu còn hấp dẫn?
Hầu hết cổ phiếu chứng khoán đã tăng hàng chục % từ đáy hồi giữa tháng 11 nhưng vẫn còn thấp hơn đến 60-70% so với đỉnh. Phần lớn các cổ phiếu nhóm này hiện có P/B dưới 1,5 lần thậm chí rất nhiều cái tên còn dưới giá trị sổ sách.
Thị trường chứng khoán khép lại tuần giao dịch bản lề bằng một phiên tăng điểm tích cực với sắc xanh, tím trải rộng trên hầu hết các nhóm ngành. Rực rỡ nhất phải kể tới nhóm chứng khoán khi hàng loạt cổ phiếu như VND, VCI, HCM, MBS, SHS, AGR, BSI, CTS,… đều tăng hết biên độ.
Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, nhóm cổ phiếu chứng khoán đã có 2 lần đồng loạt tăng trần. Lần gần nhất diễn ra vào phiên 16/11 khi thị trường lội ngược dòng ngoạn mục. Tính từ đáy dài hạn xác nhận vào giữa tháng 11, VND (+15%), VCI (+18%), HCM (+30%), MBS (+37%), SHS (+44%),… đều đã tăng hàng chục %.
Dù vậy, phần lớn cổ phiếu nhóm chứng khoán vẫn còn thấp hơn đến 60-70% so với đỉnh. Việc cổ phiếu chiết khấu sâu từ đỉnh là một trong các yếu tố thúc đẩy dòng tiền bắt đáy nhập cuộc. Bên cạnh đó, đà giảm khốc liệt nhất trong nhiều năm trở lại đây cũng đã kéo định giá của các cổ phiếu chứng khoán về mức hợp lý hơn.
Từ sau nhịp tăng mạnh vừa qua, hầu hết nhóm chứng khoán vẫn có P/B dưới 1,5 lần trong khi chỉ còn vài cổ phiếu ít tên tuổi như CSI, VUA, DSC đã có định giá cao ngất ngưởng. Thậm chí, nhiều cổ phiếu chứng khoán còn dưới giá trị sổ sách, trong đó có những cái tên “hot” như VND, SHS, BSI, VDS, VIX, BVS, AGR, FTS,…
Mặc dù đã tăng mạnh từ đáy nhưng cỏ phiếu nhóm chứng khoán vẫn chỉ còn duy nhất một đại diện trong danh sách tỷ USD vốn hóa. Đây chính là điều đáng tiếc khi vào thời kỳ đỉnh cao hồi cuối năm ngoái từng có 3 cổ phiếu chứng khoán lọt vào danh sách trên. Thời điểm đó, thị trường cũng giao dịch sôi động chưa từng thấy với nhiều phiên khớp lệnh hàng tỷ USD.
Cục diện cũng đã thay đổi chóng mặt sau khi môi trường tiền rẻ không còn. Thay vào đó, xu hướng tăng lãi suất đã ảnh hưởng khá đáng kể đến dòng tiền vào chứng khoán. Một phần đáng kể lượng tiền đã rút ra khỏi chứng khoán để trở lại sản xuất kinh doanh hoặc chuyển sang kênh đầu tư ít rủi ro hơn như là gửi tiết kiệm ngân hàng.
Lượng tài khoản mở mới của các nhà đầu tư trong nước liên tục giảm mạnh xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021. Thanh khoản thị trường cũng đã sụt giảm mạnh với giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE từ đầu tháng 11 chỉ còn chưa đến 9.200 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Sự sụt giảm thanh khoản và lượng tài khoản mở mới có ảnh hưởng đáng kể đến các mảng hoạt động của công ty chứng khoán, đặc biệt là môi giới và cho vay.
Theo thống kê, lãi từ cho vay và phải thu của 45 CTCK trong quý 3 đạt gần 4.300 tỷ đồng, giảm 320 tỷ đồng so với quý trước. Như vậy, nhóm các CTCK đã có quý thứ 2 liên tiếp ghi nhận sự sụt giảm từ nguồn thu này. Đây là điều khá bất ngờ khi dư nợ cho vay toàn thị trường đã tăng trở lại trong quý 3 vừa sau khi sụt giảm mạnh vào quý trước đó.
Theo ước tính, dư nợ cho vay của các CTCK tính đến cuối quý 3/2022 vào khoảng 165.000 tỷ đồng (~6,8 tỷ USD), tăng khoảng 15.000 tỷ so với quý trước. Nếu tính thêm cho vay 3 bên, con số thực tế có thể sẽ lớn hơn. Trong đó, dư nợ cho vay margin ước tính vào khoảng 153.000 tỷ đồng, tăng 13.000 tỷ đồng so với cuối quý trước, còn lại là ứng trước tiền bán.
Sự lệch pha trong quý vừa qua có thể tới từ việc margin duy trì ở mức thấp trong phần lớn thời gian của quý do tâm lý thận trọng của phần đông những nhà đầu tư (cá nhân chiếm chủ yếu) nhưng bất ngờ tăng mạnh vào thời điểm cuối quý bởi các hoạt động đi vay của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn để nhằm bù đắp sự thiếu hụt nguồn vốn do siết chặt trái phiếu và room tín dụng hạn chế.
Xu hướng trên phần nào đã tạo thêm áp lực lên một số cổ phiếu, đặc biệt nhóm bất động sản trong giai đoạn thị trường giảm mạnh xuống đáy dài hạn. Một số CTCK call margin lãnh đạo doanh nghiệp nhưng không thể bán giải chấp do cổ phiếu giảm sàn “trắng bên mua”. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhóm chứng khoán quý cuối năm.
Nhận định về tình hình kinh doanh cả năm 2022 của nhóm chứng khoán, KIS Việt Nam không kỳ vọng một năm như mơ tương tự năm 2021 với mức tăng vượt trội, mà thiên về các kịch bản với kết quả kinh doanh đi ngang hoặc là giảm nhẹ. Càng về cuối năm, khi những kết quả kinh doanh nếu so trên cở sở cùng kỳ năm ngoái sẽ ngày càng tiêu cực do nền cực kỳ cao vào nửa cuối năm ngoái.
Tuy vậy, triển vọng dài hạn của nhóm chứng khoán vẫn được đánh giá lạc quan nhờ vào dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư tham gia còn nhiều. Ngoài ra, một số câu chuyện như (1) Triển khai hệ thống KRX; (2) Rút ngắn chu kỳ thanh toán; (3) Thanh lọc thị trường trái phiếu; (4) Nâng hạng thị trường cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động của các CTCK.
Nguồn: cafef