Đồng USD lên đỉnh 10 tháng
Chỉ số đồng USD chạm đỉnh 10 tháng trong ngày 26/09, trong khi đồng Yên tiến gần ngưỡng 150 đổi 1 USD – là ngưỡng mà các quan chức Nhật Bản xem là cần phải can thiệp.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong 16 năm khi dữ liệu kinh tế vẫn còn mạnh. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết họ có thể tiếp tục nâng lãi suất và sau đó duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn.
“Câu chuyện tháng 9 tập trung vào đà tăng của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ và tác động lan truyền tới thị trường tiền tệ”, Adam Button, Chuyên viên phân tích tiền tệ tại ForexLive, chia sẻ. “Thị trường kỳ vọng dữ liệu kinh tế sẽ yếu đi nhưng thực tế thì không phải vậy”.
Hôm 26/09, Neel Kashkari, Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis, cho biết kịch bản “hạ cánh mềm” (soft landing) nhiều khả năng xảy ra, nhưng nói thêm rằng có 40% xác suất Fed cần phải nâng lãi suất để đánh gục lạm phát.
Ông nói: “Khi kinh tế Mỹ vẫn còn sôi động, lãi suất có lẽ sẽ tiếp tục tăng và giữ ở mức cao trong thời gian dài hơn nữa”. Việc này sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát về 2%.
Chỉ số đồng USD tăng 0.26% lên 106.21, mức cao nhất kể từ ngày 30/11/2022. Đồng Euro giảm 0.23% xuống 1.057 USD, thấp nhất kể từ ngày 16/03/2023.
Dữ liệu ngày 26/09 cho thấy doanh số bán nhà ở mới trong tháng 8 tại Mỹ không đạt kỳ vọng. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng số nhà theo hợp đồng là 675,000 căn nhà trong tháng 8, giảm 8.7% so với tháng 7, thấp hơn so với dự báo tổng số là 695,000 căn nhà, tức là giảm 2.7% so với tổng số được điều chỉnh của tháng 7/2023. Tuy nhiên, giá nhà ở Mỹ tiếp tục tăng tháng thứ 2 liên tiếp.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã giảm từ 108.7 trong tháng 8 xuống 103 trong tháng 9, thấp hơn so với dự báo 105.5 từ các chuyên gia kinh tế. Chỉ số kỳ vọng giảm xuống 73.7, thấp hơn so với mức mà các nhà quan sát liên tưởng đến suy thoái kinh tế.
Đồng Yên Nhật đang hướng tới mốc 150 mà các nhà phân tích và nhà đầu tư cho rằng là giới hạn can thiệp của Bộ Tài chính nước này. Vài tuần gần đây, cơ quan này liên tiếp cảnh báo sẽ can thiệp nếu Yên biến động quá mạnh. Nhà đầu tư hiện cũng chờ cuộc họp của các quan chức Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki hôm 26/9 cho biết giới chức không loại trừ phương án điều hành tiền tệ nào nếu biến động mạnh còn tiếp diễn. Thống đốc Kazuo Ueda cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với chính phủ trong vấn đề tỷ giá.
“Khả năng can thiệp đang tăng lên. Mô hình của chúng tôi cho thấy xác suất can thiệp hiện vào khoảng 20%”, Adam Cole – chiến lược gia tiền tệ tại RBC Capital Markets cho biết.
Đồng bảng cũng đang thấp nhất nửa năm so với đôla Mỹ. Hiện tại, một bảng đổi được 1.21 USD. Bảng yếu đi do quyết định giữ nguyên lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoJ) trong tuần trước và các số liệu kinh tế kém lạc quan.
Nguồn: Vietstock