Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng lên mức cao nhất 16 năm, thị trường lo sợ về những động thái tiếp theo của Fed
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 5,02%, cao nhất kể từ năm 2007.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu vượt 5% sau 16 năm. Diễn biến này đã cho thấy thị trường kỳ vọng rằng Fed sẽ duy trì mức lãi suất cao và chính phủ tiếp có thể sẽ tục bán trái phiếu để giải quyết tình trạng thâm hụt ngày càng lớn.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giao dịch ở mức 5,02%, cao nhất kể từ năm 2007. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cho biết NHTW có thể sẽ không điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp tháng 11, nhưng vẫn sẵn sàng tăng thêm một lần nữa nếu nền kinh tế nóng lên.
Rohan Khanna, trưởng bộ phận chiến lược lãi suất châu Âu tại Barclays, đã cho hay: “Nếu Fed vẫn cân nhắc việc tăng lãi suất một lần nữa ở thời điểm tăng trưởng ổn định và lạm phát cao hơn, thị trường sẽ thể hiện kỳ vọng đó qua lợi suất trái phiếu dài hạn.”
Trái phiếu kho bạc 10 năm được coi là có mức lãi suất không rủi ro và được làm thước đo tham chiếu cho các khoản đầu tư khác. Lợi suất trái phiếu 10 năm tăng sẽ làm ảnh hưởng đến cả thị trường, tác động tới hoạt động đi vay của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ Mỹ cũng như nước ngoài.
Ngoài ra, mối lo ngại về tình trạng thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ cũng khiến giá trái phiếu đi xuống. Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ phải tăng nguồn cung tín phiếu và trái phiếu để “bù đắp” khoảng trống đó. Sau khi tăng quy mô bán trái phiếu hàng quý lần đầu sau 2 năm rưỡi vào tháng 8, cơ quan này đã cho biết họ sẵn sàng tiếp tục với động thái này.
Evelyne Gomez-Liechti, chiến lược gia đa tài sản tại Mizuho International, cho hay: “Thị trường đang dao động trước số liệu kinh tế vĩ mô của Mỹ vào tuần tới.”
Bà nói thêm, nếu hoạt động kinh doanh và tăng trưởng của các doanh nghiệp Mỹ cao hơn kỳ vọng và Fed vẫn giữ quan điểm hiện tại, thì lợi suất trái phiếu 10 năm có thể lên tới 5,20%.
Tác động kép từ phía Fed và diễn biến lợi suất trái phiếu đã dập tắt kỳ vọng của nhiều người rằng 2023 sẽ là “năm của trái phiếu”. Đợt bán tháo trong 2 tháng qua được thúc đẩy bởi trái phiếu dài hạn – vốn dễ bị ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao và nền kinh tế tăng trưởng mạnh trong thời gian dài.
Diễn biến hiện tại cũng khiến lợi suất trái phiếu ở châu Âu giao dịch cao hơn. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức và Anh tăng 8 điểm cơ bản ở phiên 23/10, lên mức cao nhất trong nhiều năm.
Việc lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm tăng vượt ngưỡng tâm lý 5% càng nhấn mạnh giả định của các nhà đầu tư rằng Fed và các NHTW khó có thể hạ chi phí đi vay trong thời gian ngắn, ngay cả trong trường hợp họ tính đến khả năng ngừng tăng lãi suất.
Một mối rủi ro khác đối với trái phiếu chính phủ đó là những thay đổi trong thị trường. Fed đang giảm lượng nắm giữ trái phiếu thông qua việc thắt chặt định lượng, trong khi giảm dần nắm giữ các loại trái phiếu chính phủ nước ngoài như Trung Quốc.
Một báo cáo mới của Bloomberg Economics kết luận rằng, tác động của việc chi phí vay nợ chính phủ liên tục ở mức cao, chi tiêu nhiều hơn để chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ sẽ đẩy lãi suất trái phiếu 10 năm danh nghĩa lên 6%.
Nhìn chung, chi phí đi vay cao hơn có thể là lực cản với nền kinh tế Mỹ, giúp Fed kiểm soát lạm phát. Lãi suất trung bình của khoản thế chấp cố định thời hạn 30 năm đã tăng lên khoảng 8% trong những tuần gần đây. Chi phí thanh toán thẻ tín dụng, vay sinh viên và các khoản nợ khác cũng ở mức cao.
Nguồn: Vietstock