Ngoại tệ dồi dào nhưng tỷ giá tăng nhanh trở lại vì đâu?
Chỉ trong 4 ngày đầu tháng 8 này, tỷ giá trung tâm đã bất ngờ tăng nhanh trở lại 67 đồng, lên mức 23,825 đồng tính đến cuối tuần qua. Giá giao dịch tại các ngân hàng phát tín hiệu đi lên còn sớm hơn, giá USD trên thị trường tự do cũng tăng từ tháng 7 vừa qua.
Ngoại tệ dồi dào
Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đầu năm 2023 giảm 13.9% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ còn 274.2 tỷ đồng, nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận thặng dư thương mại lên đến 15.2 tỷ USD, mức cao nhất của giai đoạn 7 tháng từ trước đến nay. Nếu nhìn lại con số xuất siêu kỷ lục 7 tháng năm 2020 nhưng cũng chỉ ở mức 6.46 tỷ USD, hay mức nhập siêu 2.69 tỷ USD trong 7 tháng năm 2021 và số xuất siêu vỏn vẹn 764 triệu USD của 7 tháng năm 2022, mới thấy nguồn cung ngoại tệ từ hoạt động thương mại thặng dư mang lại từ đầu năm đến nay lớn như thế nào.
Tuy nhiên, kết quả này là do kim ngạch nhập khẩu giảm quá mạnh và cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu, tương ứng là 17.1% và 10.6%. Trong bối cảnh hoạt động thương mại toàn cầu thu hẹp, tắc nghẽn chuỗi cung ứng, đơn hàng xuất khẩu của những doanh nghiệp Việt thiếu hụt nên cũng giảm nhu cầu nhập nguyên nhiên vật liệu, sức cầu tiêu dùng trong nước suy yếu,…là các yếu tố chính tác động lên hoạt động nhập khẩu thời gian qua. Ngoài ra, ảnh hưởng từ việc Trung Quốc chống dịch khắt khe giai đoạn cuối năm 2022 khiến cho nhiều nguồn cung hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đến nay vẫn bị ảnh hưởng, thể hiện qua số nhập siêu từ Trung Quốc 7 tháng đầu năm nay giảm 35,2% so cùng kỳ, chỉ còn 27 tỷ USD.
Ở hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lượng vốn FDI giải ngân 7 tháng qua cũng đạt 11.58 tỷ USD, tăng nhẹ 0.8% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, giá trị đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên đến 4.14 tỷ USD, tăng 60.7% so cùng kỳ năm trước, đóng góp lớn vào nguồn cung ngoại tệ từ đầu năm đến nay. Tận dụng những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước, các hoạt động thâu tóm và sáp nhập (M&A) đã và đang diễn ra mạnh mẽ hơn.
Hoạt động du lịch dần phục hồi cũng là một trong những kênh quan trọng thu hút nguồn ngoại tệ cho quốc gia. Thống kê cho thấy 7 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6.6 triệu lượt người, gấp 6.9 lần cùng kỳ năm trước và đạt 83% kế hoạch đặt ra cho năm nay. Đáng chú ý trong tháng 7 là tháng đầu tiên ngành du lịch đón hơn một triệu lượt khách quốc tế tính từ khi mở cửa vào tháng 3 năm ngoái.
Ở lĩnh vực kiều hối, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, đến hết tháng 6/2023 lượng kiều hối đổ về địa phương này có mức tăng trưởng 37%, đạt mức 4.33 tỷ USD, bằng 65,6% của cả năm 2022. Nếu chỉ tính riêng trong quý II/2023 lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh đạt 2.2 tỷ USD, tăng 4.5% so với quý I/2023, dù quý 1 thường là giai đoạn cao điểm lượng kiều hối đổ về lớn do kiều bào về quê ăn Tết. Là địa phương chiếm thị phần lớn trong tổng lượng kiều hối đổ về Việt Nam, diễn biến tích cực TP Hồ Chí Minh phần nào phác họa được bức tranh chung của cả nước.
Chính nhờ những nguồn ngoại tệ dồi dào kể trên, đã tạo điều kiện cho NHNN mua mạnh ngoại tệ trong nửa đầu năm nay để gia tăng dự trữ ngoại hối nhưng không gây áp lực nhiều lên tỷ giá. Số liệu chia sẻ gần nhất vào ngày 17/5/2023 cho biết nhà điều hành đã mua vào hơn 6 tỷ USD. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm USD/VND trong 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng nhẹ 0.8%, giá giao dịch tại các ngân hàng gần như không thay đổi so với đầu năm, còn giá USD tự do thậm chí còn giảm 0.6%.
Tăng nhanh trở lại vì đâu?
Bước sang tháng 7, tỷ giá trung tâm đã giảm 42 đồng, có thời điểm giữa tháng ghi nhận mức giảm gần 100 đồng. Tuy nhiên, chỉ trong 4 ngày đầu tháng 8 này, tỷ giá trung tâm đã bất ngờ tăng nhanh trở lại 67 đồng, lên mức 23,825 đồng tính đến cuối tuần qua. Trong khi đó, giá giao dịch tại các ngân hàng phát tín hiệu đi lên còn sớm hơn, đơn cử như giá mua bán tại Vietcombank đã ngược chiều với tỷ giá trung tâm khi tăng thêm 100 đồng trong tháng 7 và đã tiếp tục tăng thêm 45 đồng trong 4 ngày đầu tháng 8 này.
Tương tự, sau khi liên tục đi xuống trong những tháng đầu năm nay, giá USD trên thị trường tự do cũng tăng trở lại từ tháng 7 vừa qua, với mức tăng 70 đồng ở chiều mua vào và 90 đồng ở chiều bán ra. Những diễn biến mới này gây ra một số lo ngại về việc tỷ giá có thể chịu áp lực trở lại, mà ảnh hưởng tiêu cực đến lộ trình và mục tiêu tiếp tục kéo giảm lãi suất trong nước.
Về nguyên nhân gây biến động tỷ giá gần đây, thứ nhất là do giá USD trên thị trường quốc tế đã đảo chiều và đi lên . Cụ thể, tính từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ số USD Index đã phục hồi hơn 3%, leo lên vùng hơn 102.5 điểm. Sau khi tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6, tháng 7 vừa qua. Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tiếp tục nâng lãi suất cơ bản thêm 0.025%, góp phần hỗ trợ đà đi lên của đồng bạc xanh. Ngoài ra, việc Fed không phát tín hiệu rõ ràng về việc sẽ dừng tăng lãi suất trong năm nay hay chưa cũng đang mang đến những kỳ vọng về xu hướng tiếp tục tăng giá của đồng USD.
Ngoài tác động từ thị trường quốc tế, chênh lệch lãi suất USD/VNĐ trên thị trường liên ngân hàng mở rộng ra từ giữa tháng 6 đến nay, đã thúc đẩy một số hoạt động đầu cơ, khi các tổ chức có thể tăng cường vay tiền đồng với lãi suất thấp để mua USD tích trữ chờ lướt sóng tỷ giá, hoặc tận dụng cho vay USD với lãi suất cao hơn nhằm ăn chênh lệch .
Cụ thể, nếu như thời điểm đầu tháng 6, lãi suất vay mượn qua đêm của USD chỉ cao hơn VNĐ chưa đến 1%, đến đầu tháng 7 chênh lệch này đã mở rộng ra hơn 4%. Cập nhật gần nhất đến tuần cuối tháng 7, lãi suất vay USD qua đêm là 4.97%, trong khi VNĐ chỉ ở mức 0.2%, tức chênh lệch tiếp tục mở rộng hơn 4.7%, trong khi các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng lần lượt mở rộng lên mức gần 4.6%, 4.4% và 3.9%.
Yếu tố khác, là một số ngân hàng có thể đối mặt với áp lực thanh khoản ngoại tệ trong thời gian gần đây. Theo số liệu của NHNN chi nhánh TP HCM, vốn huy động bằng ngoại tệ đến cuối tháng 7 vừa qua đạt 0.26 triệu tỷ đồng, tăng 0.8% so với tháng trước nhưng giảm 13.9% so với cùng kỳ; nếu so với đầu năm giảm 26.6%. Ngược lại, dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 0.18 triệu tỷ đồng, tăng 0.7% so với tháng trước, tuy cũng giảm 10.8% so với cùng kỳ nhưng so với đầu năm vẫn tăng 1.0%.
Với tỷ giá khá trầm lắng trong những tháng đầu năm , trong khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm VNĐ cao hơn nhiều so với lãi suất USD (do bị khống chế trần lãi suất 0%), dễ hiểu vì sao tiền gửi ngoại tệ giảm sút mạnh trở lại vì lãi suất cho vay VNĐ vẫn cao trong thời gian qua, dù kim ngạch xuất nhập khẩu đều suy yếu như đã nói, nhưng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ vẫn ở mức dương.
Xu hướng ngược chiều giữa huy động và tín dụng có thể khiến áp lực về nguồn vốn ngoại tệ của các nhà băng tăng lên, do đó, buộc phải tăng giá mua USD từ thị trường dân cư để bù đắp lại, hoặc tăng cường vay USD từ các ngân hàng có ngoại tệ dồi dào , góp phần giữ lãi suất vay mượn USD trên thị trường 2 vẫn duy trì ở mức cao như đã nói.
Nguồn: Vietstock