CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2023

Tính tới đầu tháng 12, dù tính tổng thể thị trường chứng khoán (TTCK) tăng khoảng 6% so với đầu năm, nhưng có mức độ phân hóa rất cao, không chỉ đối với các nhóm cổ phiếu theo ngành nghề mà còn theo quy mô vốn hóa. Năm 2023 thực sự trở thành năm sàng lọc năng lực phân tích của các nhà đầu tư cá nhân khi khả năng lựa chọn ngành và loại cổ phiếu trở thành yếu tố tiên quyết.

Phần lớn những tổ chức tài chính đều tỏ ra lạc quan vào đầu năm 2023 với các cột mốc kỳ vọng chỉ số có thể tăng trưởng 15-30%, dựa trên nền giá rất thấp của năm 2022, cộng với một mức định giá P/E rất rẻ so với thị trường. Tuy nhiên, diễn biến của thị trường trong quý 1 khiến các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính bắt đầu cảm nhận được sự phức tạp trong một năm rất khó lường, không những về diễn biến kinh tế vĩ mô cả trong và ngoài nước, mà cả thế tiến thoái lưỡng nan trên thị trường tiền tệ và thị trường vốn.

Thanh khoản thị trường chứng khoán (TTCK) trong quý 1 thực tế đã giảm xuống mức rất thấp – thấp hơn rất nhiều so với mức kỳ vọng của các tổ chức tài chính. Thanh khoản có một vài thời điểm giảm sâu dưới mức 10,000 tỷ đồng và chỉ số VN-Index rơi vào vùng trũng thông tin khi hầu như không có những thông tin tích cực đáng kể trong quý 1. Tuy nhiên, diễn biến trong phần thời gian còn lại của năm một lần nữa đã cho thấy sức mạnh của dòng tiền trên TTCK Việt Nam quan trọng như thế nào.

Dòng tiền ảnh hưởng xu hướng biến động của VN-Index trong năm

Biểu đồ bên dưới thể hiện mối quan hệ giữa mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã có sự kết nối chặt chẽ như thế nào với diễn biến TTCK trong năm 2023. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang gặp nhiều khó khăn do sức cầu yếu từ thị trường thì phần lớn tăng trưởng tín dụng trong năm qua đến từ việc bơm tín dụng cho nhóm các doanh nghiệp. Ví dụ, dù tăng trưởng tín dụng tiêu dùng bất động sản sụt giảm so với năm trước, tín dụng cho các chủ đầu tư dự án bất động sản vẫn tăng mạnh trên mức 20%.

Việc một lượng lớn tín dụng đổ về những doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã tạo điều kiện cho dòng vốn lớn chảy vào thị trường, tương ứng với mức thanh khoản từ thị trường tăng mạnh trong quý 2 và quý 3, trung bình vượt xa mốc 20,000 tỷ đồng. Dòng tiền lớn này đã góp phần khiến cho VN-Index tăng trưởng mạnh mẽ.

Dòng vốn tín dụng có vai trò quyết định đối với thanh khoản và giá cổ phiếu trên TTCK. Khi dòng vốn tín dụng tăng, TTCK ghi nhận sự tăng điểm vượt trội. Ngược lại, sự sụt giảm dòng vốn tín dụng có thể dẫn đến lực cầu yếu, từ đó thắt chặt xu hướng tăng của thị trường.

Bức tranh tăng trưởng trong năm cũng thể hiện sự phân hóa rất lớn giữa các nhóm ngành nghề. 2 ngành có mức tăng trưởng thấp đều là nhóm ngành tiêu dùng, xác nhận xu hướng khó khăn chung của nền kinh tế, trước lực cầu trong nước vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Trong khi đó, dù phần lớn các ngành nghề có mức tăng trưởng cao, đó đều là những ngành có tỷ trọng vốn hóa thấp, do đó mức tác động vào chỉ số không lớn. Ngoài ngành công nghệ thông tin với động lực tăng trưởng tốt trong dài hạn, các nhóm ngành khác đều mang tính chu kỳ cao.

Những nhóm chiếm vốn hóa lớn nhất thị trường như tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu đều là những nhóm ngành có mức tăng trưởng không như kỳ vọng trong năm. Với tiêu dùng thiết yếu, cả 3 cổ phiếu trụ của ngành là SAB, MSN hay VNM đều có mức tăng trưởng rất thấp với doanh thu sụt giảm hoặc tăng trưởng rất thấp.

Nguồn: Capital IQ
Sự khác biệt trong mức sinh lời của các nhóm ngành nghề

Sự chênh lệch trong mức sinh lời của các ngành nghề không chỉ là kết quả của các yếu tố đơn lẻ mà điều đó phản ánh sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội. Các ngành dầu khí, điện và công nghệ có mức sinh lời cao nhờ vào sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Sự tăng trưởng của ngành dầu khí được thúc đẩy bởi việc tăng giá dầu thô trên thị trường thế giới, trong khi ngành điện hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao khi nền kinh tế phục hồi. Ngành công nghệ đón nhận sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông.

Các yếu tố khác đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mức sinh lời của các ngành nghề cụ thể. Trong ngành xây dựng, sự gia tăng chi phí nguyên vật liệu kết hợp với cạnh tranh khốc liệt tạo ra môi trường khó khăn, đặt ngành này vào vị thế có mức sinh lời thấp. Ngành tiêu dùng phải đối mặt không chỉ với áp lực cạnh tranh mà còn với thách thức của lạm phát tăng cao, làm giảm khả năng duy trì mức sinh lời. Trong khi đó, ngành tài chính phải thích ứng với thực tế thắt chặt chính sách tiền tệ, đặc biệt khi lo ngại về lạm phát và biến động chính trị trên toàn cầu tăng lên. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến biến động tạm thời mà còn tạo ra thách thức cho sự bền vững và phát triển của các ngành trong thời gian tới.

Chênh lệch mức sinh lời giữa các nhóm cổ phiếu

Trong năm 2023, nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình tăng trưởng vượt trội so với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình. Trong khi mức tăng trưởng của các cổ phiếu nhóm vốn hóa lớn lũy kế cả năm chỉ đạt hơn 2% thì mức tăng trưởng trung bình của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình vào nhỏ lên đến 15-20%. Thậm chí có những thời điểm mà chỉ số VN30-Index, đại diện cho các cổ phiếu lớn nhất Việt Nam, thấp hơn cả chỉ số VN-Index. Điều này càng xác nhận thêm thông tin về khả năng dòng tiền đầu cơ và sẽ sớm đảo chiều. Sau khi chỉ số chứng khoán đạt đỉnh của năm, thị trường bắt đầu lao dốc, nhóm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình sẽ bị ảnh hưởng hơn cả.

Nguồn: Capital IQ

Một điểm rất lạ: dù chỉ số chứng khoán tăng trưởng hơn 6%, nhưng có đến hơn 20 mã giảm giá trong năm 2023. Những mã cổ phiếu nổi bật với mức giảm mạnh bao gồm SAB và MSN. Điểm chung của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sụt giảm này đều là những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên sức cầu từ phía các hộ gia đình. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của SAB cho thấy doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đã lần lượt giảm 12% và 30% so với cùng kỳ năm trước. Sức cầu yếu từ thị trường với chính sách thắt lưng buộc bụng từ người dân, cộng với chi phí đầu vào gia tăng đã bào mòn lợi nhuận của đơn vị. Điều tương tự cũng diễn ra với MSN và VNM, nhưng ở mức độ nhẹ hơn, do họ kinh doanh trong những ngành hàng thiết yếu.

Trong nhóm các cổ phiếu tăng trưởng giá, chủ yếu vẫn là các cổ phiếu đã có mức sụt giảm mạnh trong năm 2022 như TCB, HDB, SSI hay những doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng giá vật liệu tăng như HPG.

Tổng kết, diễn biến của TTCK năm 2023 vẫn chưa thực sự khởi sắc khi các nhóm ngành chủ chốt của chỉ số vẫn chưa có những tín hiệu tích cực rõ ràng. Chứng khoán trong năm tới có thể tiếp tục chứng kiến một xu hướng đi ngang và câu chuyện cục bộ từ từng nhóm ngành hay từng nhóm doanh nghiệp vẫn là các chủ điểm đầu tư chính của thị trường.

Nguồn: Vietstock

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button