Nợ xấu bất động sản tại các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ vượt tỷ lệ dự phòng rủi ro
Dự phòng rủi ro cho vay tại một ngân hàng lớn nhất nước Mỹ có xu hướng giảm mặc dù các cơ quan quản lý đang cảnh báo rủi ro liên quan tới thị trường bất động sản thương mại.
Những khoản cho vay khó đòi liên quan tới bất động sản thương mại đã vượt qua tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay tại các ngân hàng lớn nhất của Mỹ. Trong đó, các khoản thanh toán chậm liên quan tới bất động sản văn phòng, trung tâm mua sắm và các tài sản khác tăng mạnh.
Theo hồ sơ gửi cho Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC), dự phòng rủi ro trung bình tại JPMorgan Chase, Bank of America, Wells Fargo, Citigroup, Goldman Sachs và Morgan Stanley đã giảm từ 1.6 USD xuống 90 cent cho mỗi USD của khoản vay bất động sản thương mại mà trong đó người vay chậm trả lãi ít nhất 30 ngày.
Động thái mạnh mẽ này đã diễn ra vào năm ngoái, sau khi nợ bất động sản thương mại quá hạn của 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tăng gần gấp ba lên 9.3 tỷ USD.
Michael Barr – Giám đốc giám sát ngân hàng tại Fed, đã cho biết các cơ quan quản lý đã tập trung theo dõi hoạt động cho vay đối với lĩnh vực bất động sản thương mại của các ngân hàng, bao gồm cả cách họ báo cáo rủi ro trong nội bộ và liệu họ có mức trích lập dự phòng phù hợp và có đủ vốn để đối phó với nguy cơ thua lỗ trong tương lai hay không.
Tính chung toàn ngành ngân hàng Mỹ, giá trị của các khoản vay quá hạn gắn liền với văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ và các bất động thương mại khác đã tăng hơn hai lần vào năm ngoái lên 24.3 tỷ USD, từ mức 11.2 tỷ USD của năm trước đó.
Theo dữ liệu của FDIC, các ngân hàng Mỹ hiện trích lập 1.4 USD dự trữ cho mỗi USD cho vay đối với bất động sản thương mại quá hạn, giảm từ mức 2.2 USD của một năm trước.
Bill Moreland của BankRegData, công ty thu thập và phân tích dữ liệu ngân hàng, cho biết: “Có những ngân hàng có thể trông vẫn ổn cách đây 6 tháng nhưng lại có vẻ không ổn lắm trong quý tới”.
Đầu tháng này, New York Community Bank đã chứng kiến giá cổ phiếu đã giảm hơn 50% sau khi báo cáo khoản lỗ tiềm ẩn trị giá hàng trăm triệu đôla liên quan tới các khoản vay bất động sản thương mại.
Các chủ ngân hàng nói rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó, đồng thời cho biết tỷ lệ dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ quá hạn đã cao hơn mức cần thiết cách đây một năm và hiện họ đang phải giảm bớt khi các khoản nợ quá hạn gia tăng. Họ lập luận rằng các cơ quan quản lý dường như tập trung vào mức độ rủi ro của các ngân hàng vừa và nhỏ.
Trong hồ sơ nộp lên FDIC, BofA cho biết các khoản nợ quá hạn liên quan đến văn phòng, căn hộ và các tòa nhà phi nhà ở khác đã tăng 50% trong quý cuối cùng của năm ngoái lên 2.1 tỷ USD. Đồng thời, ngân hàng đã cắt giảm khoản dự phòng rủi ro cho các khoản vay đó thêm 50 triệu USD xuống chỉ còn dưới 1.3 tỷ USD.
Richard Barkham, chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của công ty bất động sản thương mại CBRE, cho biết trong ngành, bất kỳ động thái giảm tỷ lệ dự phòng đều sẽ là hành vi sai lầm. Ông ước tính các ngân hàng có thể mất tới 60 tỷ USD từ các khoản cho vay bất động sản thương mại khó đòi trong 5 năm tới, gấp đôi con số 31 tỷ USD mà họ đã trích lập cho những khoản vay thua lỗ đó, theo BankRegData.
Nguồn: Vietstock