CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Thị trường hàng hóa sẽ ra sao trong năm 2023?

Economist Intelligence Unit (EIU) đã dự đoán giá hàng hóa sẽ giảm trong năm 2023 do nhu cầu của thế giới chậm lại, song việc nguồn cung chỉ tăng hạn chế sẽ khiến cho giá vẫn ở mức cao.

Giá các mặt hàng năng lượng, hầu hết kim loại cơ bản và một số nông sản đã đều tăng mạnh trong năm 2021, và tiếp tục tăng sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Mặc dù là giá hàng hóa sẽ không phải là động lực thúc đẩy lạm phát toàn cầu trong năm 2023 như trong giai đoạn 2021 – 2022, song rủi ro EIU phải điều chỉnh tăng dự báo giá tối thiểu ngày càng tăng, phần lớn vì Trung Quốc, biến đổi khí hậu cũng như xung đột tiếp diễn ở Ukraine.

Xung đột Nga – Ukraine vẫn sẽ ảnh hưởng đến thị trường nông sản

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 sẽ tạm lắng vào năm 2023. Cùng với đó, việc sản lượng nông sản tăng sẽ khiến cho chỉ số giá thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và đồ uống của EIU giảm 8.6% trong năm đến.

Giá nông sản sẽ giảm, song vẫn ở mức cao trong năm 2023

Giá ngũ cốc đã giảm từ mức cao kỷ lục trong thời gian vừa rồi, và sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi các sự kiện ở khu vực Biển Đen trong những tháng sắp tới. Một trong các sự kiện lớn là khả năng gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu lúa mì Ukraine qua hành lang vận tải Biển Đen bất chấp việc Nga đã phong tỏa các cảng biển của nước này.

Tình hình tại Biển Đen cũng sẽ tác động tới giá hạt có dầu và dầu thực vật, hai mặt hàng được dự báo sẽ chạm đáy vào cuối năm 2023. Ngoài ra, cuộc xung đột Nga và Ukraine sẽ tác động gián tiếp đến giá cà phê, ca cao và chè do giá phân bón tăng cao và nguồn cung thiếu hụt.

Giá kim loại cơ bản sẽ vẫn biến động mạnh

EIU dự đoán giá nguyên liệu thô dùng cho ngành công nghiệp trung bình giảm 9.5% trong năm đến, do tình trạng nguồn cung hạn chế trước đó (bị gây ra bởi đà phục hồi của kinh tế thế giới bấp bênh trong năm 2021 và căng thẳng địa chính trị Nga – Ukraine leo thang) sẽ dần dần được giải tỏa. Giá kim loại cơ bản đã tăng mạnh trong nửa đầu năm 2022 bởi do thị trường tranh giành nguồn cung khi nhôm và nickel của Nga bị cấm vận.

Sau đợt bán tháo gần đây, giá kim loại cơ bản sẽ tăng trong năm 2023

Trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ kéo giảm nhu cầu đối với các kim loại cơ bản, với giá trung bình ước giảm khoảng 11%. Chủ trương thúc đẩy hoạt động xây dựng và sản xuất ở Trung Quốc nói riêng và toàn châu Á nói chung sẽ bù đắp cho phần công suất bị đóng cửa tại châu Âu vì khủng hoảng năng lượng. Điều này sẽ ngăn giá giảm sâu vào năm 2023, và giá hầu hết kim loại cơ bản kết năm sẽ cao hơn vào năm cuối năm ngoái.

Giá dầu trung bình sẽ trên 80 USD/thùng

Giá năng lượng cũng đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2022. Giá trung bình của các loại hydrocarbon (không tính khí tự nhiên hóa lỏng LNG) được dự báo giảm hai con số trong năm nay, song giá sẽ giữ ở mức cao, gần với mức hiện tại. Trong đó, EIU đã dự báo giá dầu trung bình sẽ đạt khoảng 85 USD/thùng trong năm nay do sản lượng của OPEC+ giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày so với mức đỉnh vào cuối năm 2022. Giới đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ cam kết giảm sản lượng của liên minh sản xuất dầu này.

Giá dầu sẽ giữ ở mức cao trong năm 2023

EIU đã dự đoán giá khí đốt tự nhiên của châu Âu và Mỹ sẽ không thể giảm mạnh từ mức hiện tại trước năm 2024. Nguồn cung khí đốt của Nga cho EU vẫn sẽ bị cắt và điều này sẽ gây hậu quả lâu dài cho thị trường châu Âu, mặc dù khu vực này vẫn liên tục cố gắng chuyển sang nguồn cung thay thế và nhập khẩu LNG. Do vậy, giá khí đốt tự nhiên sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Nhu cầu toàn cầu tăng sẽ thúc đẩy giá khí đốt tự nhiên của Mỹ và khiến giá hợp đồng LNG giữ ở mức cao. Giá hợp đồng LNG sẽ chỉ giảm nhẹ trong năm 2023.

Giá khí đốt tự nhiên sẽ giảm nhẹ trong năm 2023

Tác động từ việc Trung Quốc nới lỏng Zero COVID

Trung Quốc sẽ gỡ bỏ chính sách Zero COVID vào đầu năm 2023. Chính sách này, trước đó từng là yếu tố khiến EIU phải hạ dự báo nhu cầu và giá hàng, nay lại trở thành cơ sở để cơ quan này điều chỉnh tăng kỳ vọng. Tất nhiên, mức độ điều chỉnh tăng dự báo sẽ phụ thuộc lớn vào tốc độ mở cửa trở lại của kinh tế Trung Quốc trong năm nay. Các biện pháp kích thích tài chính được triển khai đồng nghĩa có tiềm năng tăng giá đối với thép và kim loại cơ bản, tùy thuộc vào mức độ ảnh hưởng của cuộc suy thoái bất động sản Trung Quốc lên hoạt động xây dựng.

Bông có thể sẽ là mặt hàng hưởng lợi chính qua việc Trung Quốc mở cửa trở lại. Sự không chắc chắn xung quanh triển vọng kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng tới tiêu thụ bông trong niên vụ 2022 – 2023 và 2023 – 2024. Nới lỏng chính sách Zero COVID đồng nghĩa các cảng biển và mạng lưới logistics được mở cửa trở lại, từ đó thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất hàng dệt may.

Năng lượng cũng có thể là một mặt hàng khác được hưởng lợi. Than cho đến nay là mặt hàng tăng giá mạnh nhất trong giai đoạn 2021 – 2022, với lượng tiêu thụ đạt mức cao nhất mọi thời đại khi châu Âu hồi sinh các nhà máy nhiệt điện than cũ trong bối cảnh giá khí đốt tăng vọt. Hầu hết sản xuất công nghiệp của Trung Quốc cũng chạy bằng điện than. Tuy nhiên, sau khi Bắc Kinh nới lỏng một phần chính sách Zero COVID, CNOOC, một trong những tập đoàn dầu khí quốc gia lớn nhất Trung Quốc, đã nâng dự báo tăng trưởng nhập khẩu khí đốt trong năm 2023 lên 7%. Điều này có thể khiến giá khí đốt và LNG tăng đáng kể.

Nguy cơ từ biến đổi khí hậu

Khí hậu đóng một vai trò quan trọng đối với thị trường hàng hóa trong năm 2022 và có thể sẽ tiếp tục như vậy trong năm nay. Những đợt nắng nóng gay gắt ở bắc bán cầu đã ảnh hưởng đến sản lượng lúa mì ở Mỹ và châu Âu trong năm 2022. Biến đổi khí hậu cũng đồng nghĩa với việc các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ diễn ra thường xuyên hơn, điển hình như La Niña đã kéo dài sang năm thứ 3 liên tiếp và cũng là điều chưa từng có. Tình hình này sẽ gây bất lợi cho hoạt động sản xuất ngô và đậu tương trong nửa đầu năm 2023, bên cạnh các loại cây trồng khác như đường và cà phê.

Lúa mì, vốn là loại nông sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, đang phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng liên quan tới khí hậu. Ở Mỹ, các vùng đồng bằng rộng lớn phía nam vẫn đang bị hạn hán và năng suất mùa màng kém bất thường khi bước vào mùa đông. Thời tiết khô hạn cực đoan và thỉnh thoảng có sương giá ở Argentina đang gây thiệt hại ở khắp các tỉnh sản xuất chính. Tuy nhiên, cả Nga và Australia đều có năm bội thu thứ hai liên tiếp, giúp giảm bớt lo ngại về hoạt động sản xuất ở tây bán cầu.

Thời tiết cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường năng lượng. Đợt nắng nóng ở châu Âu đã thúc đẩy nhu cầu năng lượng lên cao trong mùa hè năm 2022, khiến giá khí đốt và điện tăng đột biến, đặc biệt là khi sức gió giảm xuống và không đủ để tạo ra đủ điện, trong khi hạn hán cũng ảnh hưởng đến sản lượng thủy điện ở nhiều quốc gia. Nhiệt độ nước tăng và điều kiện khô hạn cũng ảnh hưởng đến sản xuất điện hạt nhân.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại ở châu Âu đang phụ thuộc lớn vào việc nhiệt độ sẽ giảm xuống bao nhiêu không chỉ trong mùa đông năm nay mà cả năm 2024. Mùa đông càng lạnh thì càng có nhiều quốc gia phải rút cạn các kho dự trữ năng lượng đã tích lũy trong năm 2022. Nhiệt độ dưới mức bình thường sẽ không chỉ làm tăng nỗi ám ảnh về việc phân bổ năng lượng theo nhu cầu mà còn gây ra áp lực tăng giá trong mùa hè, khi châu Âu tranh giành nguồn cung và không còn bất kỳ nguồn cung nào từ Nga.

Nguồn: Vietstock

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button