VN-Index tăng 9 phiên liên tiếp chưa nổi 50 điểm, chứng khoán Việt Nam đi lên trong nghi ngờ đến khi nào?
Trong chuỗi tăng 9 phiên liên tiếp vừa qua, VN-Index không có phiên nào tăng quá 1% cùng thanh khoản khớp lệnh bình quân trên HoSE chỉ đạt 7.500 tỷ đồng/phiên.
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại tháng 3 bằng một chuỗi 9 phiên tăng điểm liên tiếp, dài nhất trong vòng 20 tháng kể từ giai đoạn 26/7-5/8/2021.
Trong hơn 13 năm qua (từ 2010 cho đến nay), VN-Index đã có 14 lần tăng từ 9 phiên liên tiếp trở lên. Khoảng thời gian tập trung dày đặc những chuỗi tăng điểm liên tiếp rơi vào giai đoạn 2017-2018 khi chỉ số trở lại đỉnh 1.200 sau 11 năm.
Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm, chứng khoán Việt Nam có chuỗi tăng điểm liên tiếp kéo dài. Trước đó, trong giai đoạn từ 12/1-27/1/2023, VN-Index đã có 8 phiên tăng điểm liên tiếp với tổng số 63,75 điểm (+6%). Chuỗi tăng điểm hiện tại của chỉ số tuy dài hơn nhưng lại không thật sự thuyết phục với tổng số điểm tăng thêm chỉ 41,5 điểm (+4%).
Trong chuỗi tăng 9 phiên vừa qua, thị trường giao dịch tương đối ảm đạm trong biên độ hẹp. VN-Index không có phiên nào tăng quá 1% cùng thanh khoản khớp lệnh bình quân trên HoSE chỉ đạt 7.500 tỷ đồng/phiên. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng sôi động nhất cũng chỉ đạt xấp xỉ 10.500 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh.
Thị trường đang đi lên trong nghi ngờ khi không có nhiều thông tin hỗ trợ thực sự tích cực. Mùa báo cáo tài chính kiểm toán đang bước vào cao điểm với không ít doanh nghiệp “hot” bị “bốc hơi” lợi nhuận, thậm chí chuyển lãi thành lỗ. Các con số nhảy múa trên các tài liệu quan trọng do doanh nghiệp công bố phần nào cũng khiến nhà đầu tư mất niềm tin.
Mùa đại hội cổ đông thường niên năm 2023 cũng đang vào giai đoạn cao trào, nhiều doanh nghiệp lớn đã hé lộ các kế hoạch kinh doanh và nhận định về tình hình chung của ngành. Ngoài nhóm tài chính, triển vọng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp lớn trong một số lĩnh vực như bán lẻ, dầu khí, phân bón, thép,… đều tương đối ảm đạm.
Trong nhóm tài chính, một số ngân hàng vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tuy nhiên tốc độ đã có phần chậm lại trong bối cảnh triển vọng kinh tế chịu áp lực không nhỏ đến từ rủi ro suy thoái toàn cầu. Nhóm công ty chứng khoán vẫn đang lên kế hoạch khá tham vọng nhưng cần phải lưu ý rằng nền so sánh của năm ngoái là rất thấp.
Mùa báo cáo tài chính quý 1/2023 cũng đang tới gần với lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trên nền so sánh cao cùng kỳ. Một số cái tên đầu ngành như là Hòa Phát thậm chí còn có thể tiếp tục lỗ, nhóm bán lẻ gặp khó trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng suy yếu,…
Đi lên trong nghi ngờ đến khi nào?
Trước những sự lo ngại trên, dòng tiền cá nhân trong nước gần như vẫn đứng ngoài cuộc chơi, minh chứng là dư nợ margin hiện đang rất thấp. Theo Pyn Elite Fund, tỷ lệ cho vay margin của các công ty chứng khoán một năm về trước là 124% nhưng đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn 58% trong những tháng vừa qua.
Trong bối cảnh đó, khối ngoại hiện vẫn là động lớn chính nâng đỡ thị trường. Trong 9 phiên gần nhất, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 500 tỷ đồng trên HoSE. Dù vậy, quy mô và tốc độ mua ròng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước khi VNM ETF hoàn tất cơ cấu chuyển đổi chỉ số tham chiếu sang danh mục “full” cổ phiếu Việt Nam ngày 17/3.
Dòng tiền ngoại thời gian trở lại đây trông chờ phần lớn vào tiến độ giải ngân của Fubon ETF và một phần nào đó đến từ động thái mua gom trở lại chứng chỉ lưu ký dựa trên DCVFM VNDiamond ETF của nhà đầu tư Thái Lan. Trong khi đó, một số quỹ chủ động lớn tiêu biểu như VEIL – Dragon Capital đã gần như “full” cổ phiếu với tỷ trọng tiền mặt tại ngày 23/3 chỉ còn 0,6%.
Luỹ kế từ khi bắt đầu đợt gọi bổ sung lần 5 (15/3) đến nay, Fubon ETF đã phát hành tổng cộng 179 triệu chứng chỉ quỹ, tương ứng hơn 65 triệu USD (~1.500 tỷ đồng) đã được giải ngân mua cổ phiếu Việt Nam. Như vậy, quỹ sẽ còn phát hành thêm khoảng 154,3 triệu chững chỉ quỹ, tương ứng gần 100 triệu USD (~2.350 tỷ đồng) có thể rót thêm trong thời gian tới. Với tốc độ như hiện tại, nhiều khả năng quỹ sẽ hoàn tất giải ngân trong nửa đầu tháng 4.
Khi tiền ngoại “hụt hơi” thị trường còn trông chờ vào điều gì? “Sự phục hồi trong tương lai được quyết định bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản thị trường, lãi suất và sự giảm dần tác động của các nguồn yếu tố gây bất ổn” – ông Petri Deryng, nhà quản lý Pyn Elite Fund nhận định.
Nhiều kỳ vọng cho rằng lợi nhuận doanh nghiệp có thể tạo đáy ngay trong quý 1 nhưng cần phải lưu ý rằng nền so sánh quý 2 năm ngoái cũng rất cao. Tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết còn chịu áp lực lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu và mặt bằng lãi suất cao. Nhiều nhóm ngành được dự báo có thể vẫn tăng trưởng âm.
Mặt khác, một vài tín hiệu tích cực cũng đã xuất hiện như việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành thời gian gần đây. Mặc dù mức độ tác động vẫn cần đánh giá thêm nhưng không thể phủ nhận động thái này cũng đã góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư. Sau điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động và cho vay bắt đầu giảm, thanh khoản của các ngân hàng đang được cải thiện ở mức tốt.
Hơn hai tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng Việt Nam đã giảm từ 9,4% xuống 7,8% phần trăm. Pyn Elite Fund kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục với lãi suất tiền gửi trở lại mức bình thường hơn ở mức khoảng 5–6% vào quý 3 tới. Khi ấy, triển vọng thị trường chứng khoán có lẽ cũng rõ ràng hơn.