CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Ngân hàng Nhà nước nỗ lực ổn định tỷ giá

“Đau đầu” vì tỷ giá

Dữ liệu ngày cuối tháng 8 đã cho thấy, chỉ số USD Index đo sức mạnh đồng USD nảy lên khoảng gần 109 điểm, mức cao nhất hai thập kỷ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát biểu tại Hội nghị Jackson Hole với hàm ý là sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

Trước áp lực từ giá USD thế giới, trong tuần cuối tháng 8, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán một lượng khá lớn ngoại tệ theo cả phương thức giao ngay và kỳ hạn ở vùng giá 23.400 VND. Trước đó, thống kê của vài công ty chứng khoán đã chỉ ra rằng, từ đầu năm đến hết tháng 7/2022, nhà điều hành tiền tệ tại Việt Nam đã bán ra khoảng 13 tỷ USD để can thiệp thị trường, khiến dự dữ ngoại hối giảm 12%, một trong 5 biện pháp can thiệp lớn nhất trong 20 năm qua.

Số liệu trên phần nào cho thấy quyết tâm giữ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước lớn thế nào. Theo đó, giữ ổn định tỷ giá được đánh giá là mục tiêu ưu tiên cho năm nay, thậm chí một số mục tiêu khác có thể thay đổi tuỳ tình hình biến chuyển.

Thực tế, để ổn định tỷ giá và nhu cầu thanh toán ngoại tệ, bên cạnh việc sử dụng dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước còn phải hút ròng lượng lớn VND trên thị trường mở, qua đó giữ chênh lệch lãi suất VND luôn hấp hơn so với USD.

Tuy nhiên, các hành động trên đều ảnh hưởng tiêu cực tới thanh khoản hệ thống và khiến thị trường tiền tệ trải qua quãng thời gian đầy biến động. Lãi suất VND liên ngân hàng tăng giảm chóng mặt cả về mức độ lẫn thời gian đảo chiều trạng thái.

Điển hình ở kỳ hạn qua đêm, lãi suất liên ngân hàng đang từ mức dưới 1% (18/7), chỉ trong chục phiên giao dịch bật lên hơn 5%/năm (27/7). Cũng chỉ chục phiên giao dịch sau đó, mức lãi suất này rơi về khoảng 2%/năm (17/8), để rồi tiếp tục vọt lên quanh 7%/năm (7/9) và có thời điểm áp sát gần 9%/năm ở một số bên chào vay.

Vào thời điểm này, thế khó của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu lộ rõ hơn, việc điều hành chính sách tiền tệ trở lên vô cùng “đau đầu”. Bởi lẽ, nếu muốn thanh khoản bớt căng thẳng thì phải bơm tiền để giảm lãi suất, nhưng ảnh hưởng đến tỷ giá. Trái lại, nếu tiếp tục hút tiền về để hỗ trợ tỷ giá thì ảnh hưởng thanh khoản, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng vừa cấp mới, đồng thời gây sức ép lên cuộc đua tăng lãi suất huy động trên thị trường 1 (ngân hàng và cư dân).

Trước áp lực từ giá USD thế giới, trong tuần cuối tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán một lượng khá lớn ngoại tệ theo cả phương thức giao ngay và kỳ hạn ở vùng giá 23.400 VND.

Sau hồi cân đo đong đếm, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh biểu niêm yết giá bán USD giao ngay từ 23.400 VND lên mức 23.700 VND. Điểm tựa có thể nói đến là việc đã giữ được tỷ giá ổn định một thời gian và những điều kiện mới phát triển có thể chấp nhận được cho việc tăng tỷ giá như lạm phát tương đối ổn, giá dầu có dấu hiệu chững lại…

Xem thêm: Kênh tiếp vốn cho thị trường bất động sản đến từ đâu trong mùa cuối năm?

Việc nâng giá bán này có hai ý nghĩa quan trọng. Thứ nhất, giá giao dịch giữa các thành viên trên thị trường liên ngân hàng đã thấp hơn giá bình ổn USD mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố. Theo đó, việc hút ròng VND qua hoạt động bán USD cũng tạm dừng. Thanh khoản hệ thống không còn bị vắt kiệt. Thứ hai, khi sức ép lớn và không thể can thiệp tại vùng cũ nữa thì cần tăng để tạo điểm cân bằng mới. Đồng thời, có thể phòng thủ từ xa cho các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed.

Đáng chú ý, sau quyết định tăng giá bán USD, thị trường tiền tệ đã dần ổn định. Lãi suất VND liên ngân hàng nhanh chóng hạ độ cao. Đồng thời, tỷ giá USD/VND cũng duy trì đi ngang ở mặt bằng mới, cao hơn một chút so với trước đó. Tính theo giá giao ngay trên thị trường liên ngân hàng, chốt phiên 9/9, tỷ giá USD/VND qua mới tăng 3,31% so với đầu năm, mức độ rất thấp nếu như so với hàng loạt đồng tiền trên thế giới biến trong cùng mốc so sánh.

Nhìn chung, mặc dù còn một vài thời điểm để thị trường rơi vào trạng thái “hoảng loạn” đẩy lãi suất liên ngân hàng lên tới 9%, nhưng về cơ bản Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành tương đối tròn vai. Chính sách tiền tệ được điều hành đồng bộ có tính toán, từ việc chuyển qua đấu thầu lãi suất OMO, ổn định thanh khoản hệ thống qua dịch nghỉ lễ 2/9, nới hạn mức (room) tín dụng và lập tức nâng giá bán USD.

Tham khảo thêm: (ASM) CTCP Tập đoàn Sao Mai trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%

Điểm tựa để cân bằng

Như đã đề cập, diễn biến tăng lãi suất chống lạm phát của Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vì vậy tỷ giá USD/VND cũng chưa hết sóng gió.

Đặc biệt, nhiều năm qua, Việt Nam luôn có một lượng lớn thặng dư thương mại nhưng chủ yếu đến từ khu vực vực FDI. Khi đồng USD trên thế giới mạnh lên, đây cũng là nơi mang đến nhiều áp lực nhất.

Cụ thể, khu vực FDI tích luỹ ngoại tệ để phục vụ tái đầu tư, phần còn lại cân nhắc chuyển đi ở dạng lợi nhuận. Sự cân nhắc này, nhanh hay chậm, nhiều hay ít còn phụ thuộc vào triển vọng ổn định tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam. Trong đó, nếu họ cảm thấy triển vọng thiếu ổn định, nhu cầu mua USD tăng mạnh là điều dễ hiểu. Đồng thời, với mức lãi suất USD cố định tại 0%, chắc chắn họ sẽ chuyển lượng USD này về nước và chỉ duy trì lại ở mức tối thiểu. Khi đó, hệ thống ngân hàng thương mại cần thanh khoản và trạng thái USD.

Cho đến hiện tại, phía Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn nhấn mạnh, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân gồm có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Song, thị trường lại đặt ra một câu hỏi rằng, liệu không gian dự trữ ngoại hối có còn đủ để thoải mái cân đối thị trường?

Thật ra, thời gian qua, chính sách tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước phối hợp nhiều công cụ, trong đó có “mượn sức” của hệ thống ngân hàng thương mại trong đáp ứng nguồn cung và điều tiết nhu cầu USD. Một số được chuyển qua bán kỳ hạn và tiếp tục gối vào ở kỳ hạn xa hơn.

Hiểu đơn giản, hoạt động bán ngoại tệ ổn định tỷ giá mới chỉ có một lượng nhỏ được giao ngay. Phần còn lại được đẩy về tương lai và chưa chắc đã được thực hiện, hoặc thực hiện khi thị trường thuận lợi, do đó lượng dự trữ ngoại hối vẫn còn khá nhiều.

Xem thêm: Chứng khoán Mỹ hồi phục, Dow Jones tăng hơn 500 điểm

Điểm tựa cho hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian tới còn đến từ các yếu tố như so với nhiều nền kinh tế, đặc biệt là thị trường mới nổi và đang phát triển, Việt Nam vẫn đang có biểu hiện tốt, ở tăng trưởng, lạm phát và ổn định tỷ giá. Sự ổn định này một phần nhờ vào cấu trúc (nhập siêu năng lượng hay lương thực thực phẩm ít, thậm chí có sự cân bằng) cùng với cơ cấu nợ ngoại tệ thấp.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài của Việt Nam vẫn ổn định dù môi trường có nhiều biến động và triển vọng đã điều chỉnh theo hướng kém tích cực. Những điều trên tạo bước đệm vững chắc hơn đối với việc chống chọi các cú sốc bất lợi bên ngoài.

Tuy nhiên, với lượng dự trữ ngoại hối ít nhiều bị hao hụt, để ổn định tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước cần phải nỗ lực rất nhiều. Trong đó, tối ưu việc dùng VND rất quan trọng, không thể quá phụ thuộc vào lượng USD tích trữ bấy lâu nay.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh tăng đối với một vài loại lãi suất điều hành.

Trong đó, duy nhất việc nới trần lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 6 tháng là tác động trực tiếp tới thị trường. Thực tế, ngay sau quyết định trên, hàng loạt ngân hàng đã nâng biểu lãi suất kịch lên kịch trần mới.

Trái lại, do hầu hết các công cụ điều hành khác đã lâu chưa được thị trường dùng đến, vậy nên hành động này chủ yếu mang tính chất định hướng, tức thể hiện rằng sẽ điều hành tỷ giá ổn định và một vài chỉ tiêu khác có thể thay đổi tuỳ biến.

Cũng cần lưu ý, ổn định ở đây không đồng nghĩa neo cố định tại một mốc nào đó. Nhà điều hành tiền tệ tại Việt Nam đang căn chỉnh thanh trượt tỷ giá, để VND mất giá trong một phạm vi cho phép mà qua đó nhiều mục tiêu khác không quá xa tầm với.

Nguồn: Nguoidonghanh

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button