NHTW châu Âu giữ nguyên lãi suất lần thứ 3 liên tiếp, không đưa tín hiệu giảm lãi suất
Trong ngày 25/01, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất và nhấn mạnh sẽ tiếp tục giữ lãi suất cao “thêm một khoảng thời gian đủ dài” để kéo lạm phát về mục tiêu.
NHTW châu Âu đã 3 lần liên tiếp giữ nguyên lãi suất sau tháng 9/2023. Họ cho biết các dữ liệu gần đây “nhìn chung đã xác nhận” dự báo lạm phát trung hạn của ECB và xu hướng hạ nhiệt của lạm phát lõi vẫn tiếp diễn.
Trong cuộc họp báo, Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã cho biết việc lạm phát tăng tốc trong tháng 12/2023 đã được dự báo từ trước và chủ yếu do so với mức nền thấp của cùng kỳ. “Báo cáo lạm phát tháng 12/2023 cũng không làm thay đổi quan điểm rằng xu hướng hạ nhiệt của lạm phát vẫn đang tiếp diễn”.
Tuy vậy, các thành viên Hội đồng Thống đốc ECB đều đã nhất trí rằng “vẫn còn quá sớm để bàn tới chuyện giảm lãi suất”, bà nói. Điều này sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu thay vì “theo một lịch trình cố định”.
“Hội đồng quản trị sẽ tiếp tục tuân theo cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để xác định mức độ và thời gian thắt chặt phù hợp… Các quyết định trong tương lai của ECB sẽ đảm bảo rằng lãi suất chính sách được ấn định ở mức đủ thắt chặt trong thời gian cần thiết”, ECB cho biết.
Chủ tịch Christine Lagarde cho biết trong một cuộc họp báo rằng, nền kinh tế khu vực đồng Euro “có thể sẽ trì trệ trong quý cuối cùng của năm 2023” và cảnh báo rằng dữ liệu sắp tới sẽ “báo hiệu về sự suy yếu”.
Giống như các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới, các nhà hoạch định chính sách tại ECB đang phải đối mặt với trạng thái cân bằng mong manh. Việc nới lỏng chính sách quá sớm có nguy cơ khiến lạm phát tái diễn trong khi vẫn giữ lãi suất ở mức quá cao đồng nghĩa với việc nền kinh tế có thể phải đối mặt với một cuộc suy thoái sâu sắc không cần thiết.
Hiện nền kinh tế khu vực đồng Euro đang trì trệ và sự ổn định tài chính còn mong manh, nhưng các nhà hoạch định chính sách cũng tập trung vào việc đưa lạm phát xuống 2%, từ mức 2.9% trong tháng 12.
Một số quan chức ECB lên tiếng phản bác kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất vào mùa xuân, nhấn mạnh sự cần thiết phải chờ dữ liệu tiền lương quý đầu năm. Theo dữ liệu của LSEG, các thị trường đặt cược có 62% xác suất ECB cắt giảm lãi suất trong tháng 4.
Richard Carter, Trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất cố định tại Quilter Cheviot, cho biết quyết định này cho thấy ECB “cho thấy sự miễn cưỡng trong việc bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất dù áp lực thôi thúc họ làm thế là rất lớn… Lạm phát giảm liên tục ở khu vực Eurozone nhưng lại tăng bất ngờ lên 2.9% trong tháng 12, càng thúc đẩy quan điểm tương đối diều hâu của ECB”.
Vincent Chaigneau, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Generali Investments, lưu ý rằng ECB duy trì quan điểm giữ chính sách tiền tệ thắt chặt trong một thời gian đủ dài.
Nguồn: Vietstock