Tăng trưởng tín dụng là gì? Các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng là gì? Các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng
Tăng trưởng tín dụng đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng thương mại và tăng trưởng kinh tế. Trong đó, việc xác định các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng là điều cần thiết để đưa ra các chính sách cân đối phù hợp, đảm bảo phát triển đồng bộ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm tăng trưởng tín dụng là gì cũng như nội dung và các yếu tố tác động đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Tăng trưởng tín dụng là gì?
Tăng trưởng tín dụng được đề cập trong nghiên cứu của Lane P. R., McQuade P. (2014) như là một sự gia tăng trong giá trị dư nợ cho vay trong khu vực tư nhân (bao gồm cả đối tượng là các cá nhân và các tổ chức). Một khi quy mô tín dụng gia tăng, khách hàng có thể vay mượn được nhiều hơn để sử dụng cho các mục đích chi tiêu, đầu tư và kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến (2013) thì tăng trưởng tín dụng là việc các ngân hàng thương mại sử dụng chính sách nhằm tăng nguồn vốn huy động, đáp ứng cho việc cấp tín dụng, chiết khấu, đầu tư vào những đối tượng là các tổ chức kinh tế, cá nhân,… có nhu cầu vay vốn, từng bước nâng cao lợi nhuận, thị phần và thương hiệu trên thị trường.
Theo đó, tăng trưởng tín dụng được hiểu là sự tăng lên của các khoản tín dụng do hệ thống ngân hàng cung cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân trong nền kinh tế. Việc ngân hàng gia tăng các khoản tín dụng có ý nghĩa quan trọng và là điều rất cần thiết để đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về vốn của các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân trong quá trình phát triển của toàn xã hội.
Xét theo góc độ tính toán, tăng trưởng tín dụng ngân hàng là tỷ lệ phần trăm sự tăng lên (hoặc giảm xuống) của lượng giá trị tiền tệ mà hệ thống ngân hàng cung cấp cho cho các cá nhân, doanh nghiệp và các tổ chức khác của mình trong nền kinh tế ở kỳ này so với kỳ trước. Trong trường hợp tín dụng tăng trưởng dương, nền kinh tế sẽ có thêm một lượng cung tiền tương ứng được đưa vào lưu thông dưới dạng bút tệ. Ngược lại, tín dụng tăng trưởng âm thể hiện một xu hướng thắt chặt, eo hẹp hơn trong cung tiền, tất nhiên kéo theo những tác động nhất định đến nền kinh tế.
Công thức tính tốc độ tăng trưởng tín dụng
Với khái niệm là một chỉ tiêu mang tính tương đối, tăng trưởng tín dụng được tính toán bằng cách so sánh tốc độ tăng/ giảm của giá trị cấp tín dụng ở thời điểm tính với giá trị cấp tín dụng ở thời điểm so sánh. Tuỳ thuộc vào mốc thời điểm so sánh mà tăng trưởng tín dụng sẽ mang ý nghĩa là tốc độ tăng trưởng so với kỳ gốc hay tăng trưởng liên hoàn.
Tăng trưởng tín dụng so với kỳ gốc là tỷ lệ phần trăm tăng thêm của giá trị tín dụng tại thời điểm tính tăng trưởng ti (thường tính bằng năm) với giá trị tín dụng tại thời điểm làm gốc so sánh t0. Công thức tính toán tăng trưởng tín dụng so với kỳ gốc như sau:
Tốc độ tăng trưởng tín dụng = [(Giá trị cấp tín dụng thời điểm ti / Giá trị cấp tín dụng thời điểm t0) – 1]* 100% |
Tăng trưởng tín dụng liên hoàn là tỷ lệ phần trăm tăng thêm của giá trị tín dụng tại thời điểm tính tăng trưởng ti (thường tính bằng năm) với giá trị tín dụng tại thời điểm liền kề trước đó ti-1. Với cách tính này, tình hình biến động của tín dụng sẽ được phản ánh liên tục qua các mốc thời gian liền kề nhau, và tích các chỉ số tăng trưởng liên hoàn sẽ bằng chỉ số tăng trưởng so với kỳ gốc tương ứng. Công thức tính toán tăng trưởng tín dụng so với kỳ gốc như sau:
Tốc độ tăng trưởng tín dụng = [(Giá trị cấp tín dụng thời điểm ti / Giá trị cấp tín dụng thời điểm ti-1) – 1]* 100% |
Lưu ý rằng trong cả hai cách tính nêu trên, giá trị cấp tín dụng tại các thời điểm so sánh bao gồm toàn bộ giá trị các khoản mục được xem là cấp tín dụng theo các quy định mang tính pháp lý của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ và cần được phân biệt với chỉ tiêu cho vay khách hàng.
Một số chỉ tiêu đo lường tăng trưởng tín dụng
Nhà quản trị ngân hàng và các bên liên quan có thể đo lường mức độ tăng trưởng tín dụng dựa trên một số chỉ tiêu đo lường sau:
Tốc độ tăng huy động vốn: Đây là chỉ tiêu phản ánh quy mô và tốc độ huy động vốn của ngân hàng thương mại. Nếu tốc độ huy động vốn của kỳ sau cao hơn so với kỳ trước thì ta nhận định rằng tốc độ huy động vốn tăng, quy mô hoạt động mở rộng. Ngược lại, nếu tốc độ huy động vốn của kỳ sau giảm so với kỳ trước thì là giảm tốc độ huy động, quy mô bị thu hẹp. Công thức tổng quát như sau:
Tốc độ tăng huy động vốn = (Vốn huy động kỳ này – Vốn huy động kỳ trước) / Vốn huy động kỳ trước |
Tốc độ tăng dư nợ tín dụng: Là chỉ số phản ánh tốc độ tăng dư nợ của ngân hàng thương mại/ Nếu dư nợ tín dụng của kỳ sau cao hơn kỳ trước tức là ngân hàng thương mại đã cung ứng đủ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế và ngược tại. Ta có công thức tính tốc độ tăng dư nợ tín dụng:
Tốc độ tăng dư nợ tín dụng = (Dư nợ tín dụng kỳ này – Dư nợ tín dụng kỳ trước) / Dư nợ tín dụng kỳ trước |
Cơ cấu tín dụng: Chỉ số này phản ánh tỷ lệ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại dựa theo kỳ hạn, đối tượng hoặc ngành nghề của khách hàng. Cơ cấu tín dụng giúp ngân hàng tính toán được các chỉ tiêu đảm bảo an toàn về tín dụng, thanh khoản hoặc điều chỉnh hướng cho vay tín dụng theo chiến lược phát triển của ngân hàng hay chính sách điều tiết của Ngân hàng Nhà nước. Công thức tính tỷ lệ cơ cấu tín dụng:
Tỷ lệ cơ cấu tín dụng = (Dư nợ tín dụng theo đối tượng / kỳ hạn / ngành nghề) / Tổng dư nợ tín dụng |
Vai trò & chức năng của tăng trưởng tín dụng là gì?
Thứ nhất, cải thiện toàn bộ lực lượng sản xuất trong nền kinh tế theo hướng nhiều
hơn về lượng và tốt hơn về chất. Cụ thể, tín dụng tăng trưởng có nghĩa là lượng cung tiền được bơm vào nền kinh tế tăng lên. Chính sự tăng lên này kéo theo rất nhiều sự thay đổi: khả năng tiếp cận nguồn vốn của các chủ thể cần vốn có xu hướng tăng lên, nguồn cung tiền cho các hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, cho đầu tư phát triển, máy móc thiết bị, công nghệ, phần mềm, nguồn nhân lực,.. cũng vì thế mà tăng lên. Kết quả tất yếu kéo theo là toàn bộ nền kinh tế tăng trưởng về mặt quy mô.
Thứ hai, nâng cao đồng thời cả quy mô và chất lượng của tín dụng. Tăng trưởng tín dụng gia tăng đồng nghĩa với việc quy mô tín dụng toàn nền kinh tế tăng lên, đồng thời, được dẫn trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư của các thành phần trong nền kinh tế. Nhờ vậy, nền kinh tế chọn lọc được những cá thể khỏe mạnh: các công ty có tình hình tài chính tốt, kinh doanh hiệu quả sẽ xem đây là cơ hội, tận dụng thế mạnh trong việc tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng lớn, chất lượng để tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô,…. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động yếu kém sẽ gặp khó khăn và buộc phải phụ thuộc vào những doanh nghiệp lớn, bị mua lại, hoặc phải sáp nhập vào các doanh nghiệp lớn. Hệ quả của quá trình tập trung sản xuất này là các doanh nghiệp nhỏ mất đi và dần hình thành những nhóm công ty, những tập đoàn với quy mô ngày càng mở rộng.
Thứ ba, là một công cụ giúp Nhà nước trong việc điều hành và quản lý vĩ mô. Theo đó, thông qua việc điều tiết tăng trưởng tín dụng bằng những biện pháp gián tiếp hoặc hành chính trực tiếp, Nhà nước có thể kiểm soát được độ lớn của lượng cung tiền được bơm vào nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng (bằng hình thức tín dụng). Với chính sách tiền tệ mở rộng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và khả năng lưu thông hàng hoá được tăng cường và được Nhà nước khuyến khích; và ngược lại khi muốn kiểm soát lạm phát và giá cả, chính sách tiền tệ thắt chặt với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng mục tiêu được kiểm soát ở mức thấp sẽ được áp dụng.
Ý nghĩa của tăng trưởng tín dụng ngân hàng là gì?
Tín dụng ngân hàng gia tăng sẽ thúc đẩy gia tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế thông qua việc người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn, doanh nghiệp có thể gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó tạo việc làm và sinh lợi trên vốn đầu tư. Tăng trưởng kinh tế khuyến khích mở rộng tín dụng thông qua nhu cầu về dịch vụ tài chính.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng gia tăng theo chiều hướng tích cực sẽ tạo ra một lực lượng sản xuất và xã hội phát triển. Các ngân hàng sẽ góp phần tài trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thông qua việc cung cấp nguồn vốn tín dụng,đẩy nhanh quá trình sản xuất và tiêu thụ.
Tăng trưởng tín dụng là biểu hiện của quá trình tích tụ và tập trung sản xuất. Thông qua tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế rút ngắn được thời gian tích lũy vốn, tăng khả năng mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động và khả năng cạnh tranh.
Tín dụng tăng lên là lượng cung tiền trong nền kinh tế tăng lên. Qua đó, Chính phủ có thể điều hành chính sách tiền tệ thông qua các quyết định liên quan đến sự tăng trưởng tín dụng, góp phần ổn định tiền tệ và phát triển của nền kinh tế.
Hiểu rõ về các động lực tăng trưởng tín dụng là điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay vì có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng tăng trưởng tín dụng cao sẽ dẫn đến hoạt động kinh tế sôi nổi bằng cách chuyển tiền tiết kiệm vào đầu tư.