THẾ GIỚI

G7 xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược để củng cố an ninh kinh tế

Nhóm cường quốc công nghiệp G7 gồm các nước Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Mỹ sẽ kêu gọi thành lập chuỗi cung ứng những hàng hóa chiến lược trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm. Hội nghị sẽ diễn ra vào tháng 5 sắp tới ở Hiroshima (Nhật Bản).

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xác định an ninh kinh tế chính là một nội dung chính trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5 tới. Ảnh AP/Shutterstock

Trang tin Nikkei Asia hôm 12-3 đã cho biết, kế hoạch này nhằm mở rộng các thỏa thuận chuỗi cung ứng quốc tế khác nhau, được thiết lập riêng lẻ giữa Nhật Bản và Mỹ cũng như giữa châu Âu và Mỹ để bao trùm toàn bộ nhóm G7.

Kế hoạch sẽ bao gồm những nỗ lực xây dựng nguồn cung ổn định của các hàng hóa như chip, đất hiếm và các mặt hàng khác, gồm dược phẩm. Đây là các loại hàng hóa có vai trò quan trọng với an ninh kinh tế, ứng phó với những rủi ro như khủng hoảng ở Đài Loan hoặc chiến tranh Nga-Ukraine kéo dài.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida xác định an ninh kinh tế là một nội dung chính trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên vấn đề an ninh kinh tế trở thành chủ đề riêng tại một hội nghị thượng đỉnh G7.

Theo Nikkei Asia, quyết định này của Thủ tướng Kishida nhằm mục đích đưa Đức, nước có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc xích lại gần hơn với Nhật Bản và Mỹ. Đây cũng được xem là điều rất cần thiết để ngăn chặn dòng chảy hàng hóa và công nghệ chiến lược đến Trung Quốc thông qua châu Âu.

Các nước thành viên G7 sẽ bắt đầu soạn thảo tuyên bố chung trong tháng này. Với tư cách là nước chủ nhà, Nhật Bản sẽ nghiên cứu xây dựng một mạng lưới cung ứng hàng hóa chiến lược cho G7, bao gồm xác định một số hàng hóa cần thiết cho hoạt động kinh tế và thành lập các kho dự trữ.

Chip rất cần thiết cho việc sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng. Hiện Đài Loan đang có thị phần sản xuất chip hàng đầu toàn cầu, chiếm tỷ trọng hơn 20%. Nếu chỉ xét riêng hoạt động sản xuất chip cao cấp, Đài Loan chiếm thị phần 90%.

Do nguồn cung chịp có thể bị gián đoạn trong trường hợp khủng hoảng xảy ra tại Đài Loan, G7 đặt mục tiêu xây dựng một mạng lưới giúp các thành viên có thể tiếp cận được một sản lượng chip nhất định. Trong khi đó, Nhật Bản và Mỹ có kế hoạch nghiên cứu sản xuất hàng loạt chip bán dẫn thế hệ tiếp theo nhằm để sử dụng trong máy tính lượng tử và các ứng dụng khác, với hy vọng sẽ thu hút được sự tham gia của cả châu Âu.

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về trữ lượng kim loại đất hiếm, được sử dụng trong nam châm và những linh kiện của ô tô và các sản phẩm tiên tiến khác. Những thành viên G7 không có trữ lượng đất hiếm lớn nên sự chi phối của Trung Quốc trong lĩnh vực này sẽ không bị suy yếu trừ khi nhóm có thể xây dựng được chuỗi cung ứng riêng để thoát khỏi sự phụ thuộc này.

G7 dự kiến tìm kiếm các nguồn cung đất hiếm ở bên ngoài bằng cách mở rộng hợp tác với khu vực châu Phi và Nam Mỹ, nơi có trữ lượng tài nguyên khoáng sản dồi dào. Nikkei Asia cho biết, G7 có thể đề xuất đóng góp cho một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ khai thác đất hiếm ở các nước này.

Đầu tuần qua, Công ty thương mại Sojitz (Nhật Bản) đã thông báo ,Japan Australia Rare Earths, một liên doanh giữa Sojitz và Tổ chức An ninh năng lượng và kim loại Nhật Bản (JOGMEC) sẽ đầu tư khoảng 200 triệu đô la Úc vào Công ty khai thác và chế biến đất Lynas Rare Earths của Úc vào cuối tháng 3.

Theo thỏa thuận, Lynas sẽ cung cấp cho Nhật Bản đến 65% lượng dysprosium và terbi, hai nguyên tố đất hiếm được sản xuất tại mỏ Mount Weld ở miền tây Úc. Theo Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, thỏa thuận sẽ giúp đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nhóm đất hiếm nặng của Nhật Bản.

Dysprosi và terbi được sử dụng để tăng cường khả năng chịu nhiệt của các nam châm neodymium mạnh, rất cần thiết để giảm kích thước của động cơ xe điện và tuốc-bin gió.

Dược phẩm và các sản phẩm công nghệ sinh học cũng có thể nằm trong kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa chiến lược của G7. Một số sản phẩm trong lĩnh vực y tế được sản xuất phần lớn tại Trung Quốc. Ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, nhiều nước phải dự vào nguồn cung khẩu trang và quần áo bảo hộ từ Trung Quốc.

Nguồn: thesaigontimes

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button