MWG đang thất sủng?
Từ tháng 8 đến nay, cổ phiếu của CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (HOSE: MWG) nằm trong nhóm giảm giá sâu nhất sàn HOSE và cũng bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất. Đây là tình cảnh hiếm thấy đối với một tên tuổi từng rất được săn đón.
2023 là năm đầy thử thách đối với MWG. Sau 9 tháng, giữa bối cảnh nền kinh tế khó khăn, mặc dù doanh thu chỉ giảm gần 16% so với cùng kỳ, lợi nhuận của tập đoàn bán lẻ đa ngành này sa sút đến 98% khi họ bước vào cuộc chiến giá cả với đối thủ để tranh giành nhu cầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trái ngược với sự co lại trong kết quả kinh doanh lại là khối lượng giao dịch bùng nổ của cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy lượng giao dịch bình quân của MWG trong tháng 11/2023 lên đến 11.6 triệu cp/ngày, còn trong 4 tháng gần nhất là hơn 8.6 triệu cp/ngày. Mức độ mua bán sôi nổi hiện nay đối với mã MWG vượt xa bất kỳ giai đoạn nào trước đây.
Tại thị trường cổ phiếu, việc khối lượng mua bán đột ngột tăng vọt thường hàm ý hai thái cực, hoặc mọi người đang đổ xô mua vào hoặc ngược lại đang cố gắng thoát ra. Trường hợp của MWG dường như ngả về phía kém vui hơn.
vượt cả thời kỳ chứng khoán sôi động 2021-2022
4 tháng qua, khối ngoại liên tục bán ra MWG, bất chấp cổ phiếu giảm giá mạnh (-27.3%). Từ ngày 01/08 đến 29/11, mã này bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 66.3 triệu cp. Phần lớn giao dịch là khớp lệnh ngay trên sàn. Qua đó, tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại MWG giảm từ mức 49%, tức là kín room, xuống còn xấp xỉ 44.5%.
Trước đợt tháo chạy, MWG vốn là hàng hiếm kín room được khối ngoại ưa chuộng. Có lúc, các tổ chức nước ngoài phải chấp nhận trả cao hơn thị giá (premium) đến 30-40% để mua thỏa thuận từ tay các đồng nghiệp ngoại quốc khác.
Chuyện bên trên giờ đã là quá khứ. Dữ liệu từ VietstockFinance ghi nhận MWG là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong giai đoạn 01/08-29/11/2023. Với giá trị bán ròng tuyệt đối hơn 3 ngàn tỷ đồng, MWG bỏ xa phần còn lại của bảng xếp hạng như VHM (bị khối ngoại bán ròng 1.82 ngàn tỷ đồng), VPB (1.72 ngàn tỷ đồng) HPG (1.65 ngàn tỷ đồng), MSN (1.37 ngàn tỷ đồng).
Theo đánh giá của bộ phận phân tích SSI (SSI Research), MWG thậm chí đang ngấp nghé nguy cơ bị loại khỏi chỉ số VNDiamond – rổ chỉ số bao gồm các cổ phiếu kín room ngoại. Nguyên nhân là do hệ số P/E dự phóng 2023 của MWG quá cao, xuất phát từ mức lợi nhuận kém khả quan của doanh nghiệp trong năm. Việc bị loại khỏi chỉ số có thể kích hoạt thêm áp lực bán hàng chục triệu cp trong tương lai.
Kể từ khi trở thành công ty niêm yết vào năm 2014, đây là lần đầu giới đầu tư mục sở thị sự tuột dốc đến vậy của MWG, xét trên số liệu. Kinh doanh từ thiết bị điện tử cho đến thực phẩm và hàng tiêu dùng, lợi nhuận của hãng bán lẻ này không suy quyển trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Suốt một thập niên, lãi ròng dành cho cổ đông MWG đã tăng trưởng từ mức vài trăm tỷ mỗi năm lên đến đỉnh điểm gần 4.9 ngàn tỷ năm 2021, trước khi sa sút hai năm sau đó.
Lợi nhuận ròng MWG sụt 98% trong năm 9 tháng 2023
“Rõ ràng trong năm 2023 Tập đoàn đã không tạo ra lợi nhuận đáng kể. Điều này gây ra các quyết định từ nhà đầu tư… Nhưng trong quá khứ chúng ta cũng đã từng có thời điểm thách thức niềm tin của nhà đầu tư như vậy” – ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG chia sẻ trong buổi họp với các nhà phân tích cách đây 2 tuần.
Theo vị Chủ tịch, ai có niềm tin MWG tái cấu trúc thành công và phát triển trở lại thì sẽ xem đây là cơ hội mua vào. “Cá nhân tôi là người trong cuộc, biết rất rõ mình đang đi đâu về đâu… thì cũng có ý định tăng tỷ lệ sở hữu”.
Lời nhận định của ông Tài không phải nói suông, bởi MWG vẫn có những điểm sáng. Mặc dù cuộc chiến giá cả phải chịu cái nhìn không mấy thiện cảm từ giới đầu tư, nhưng nó mang lại cho doanh nghiệp thêm thị phần. Đơn cử với dòng sản phẩm Apple, thị phần của chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đã leo lên mức 50%, trong khi đầu năm nay loanh quanh 25-30%.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh tháng 10/2023 của MWG cũng tiết lộ doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh đạt hơn 3 ngàn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng vượt 1.7 tỷ đồng, cao nhất trong hơn 2 năm. Chuỗi bán lẻ thực phẩm được xem là tương lai của MWG cũng đang triển khai một thương vụ huy động vốn nước ngoài với mức định giá đồn đoán khoảng 1.5-1.7 tỷ USD.
Trong buổi họp với các nhà phân tích, Chủ tịch Tài và bộ sậu tin tưởng vào khả năng đạt điểm hòa vốn của Bách Hóa Xanh cuối năm nay. Tuy nhiên, giới phân tích tài chính lại không lạc quan như vậy. Tại các báo cáo công bố giữa tháng 11, bộ phận phân tích của cả hai công ty chứng khoán lớn là SSI và Vietcap đều tỏ ra dè dặt.
“Chi phí bán hàng cao hơn dự kiến tại Bách Hóa Xanh ảnh hưởng quan điểm lạc quan trước đây của chúng tôi về khả năng hòa vốn vào cuối năm 2023, dù doanh số/cửa hàng tăng mạnh trong 9 tháng” – Vietcap cho biết.
SSI Research thì đánh giá việc “chưa đạt điểm hòa vốn vào cuối năm 2023 về mặt lợi nhuận ròng kế toán cũng có thể khiến các nhà đầu tư đã chờ đợi nhiều năm thất vọng”.
Những đánh giá thiếu đồng thuận cho thấy một làn sương mù bao quanh tương lai chuỗi Bách Hóa Xanh. Tuy nhiên, điều rõ ràng hơn là giới đầu tư sẽ phải làm quen với một MWG không còn tăng trưởng vùn vụt, một phần bởi quy mô lớn của doanh nghiệp. Tập đoàn bán lẻ với doanh thu hơn 5 tỷ USD này dự kiến chỉ tăng trưởng một con số cho năm 2024, do nhu cầu tiêu dùng dự báo vẫn yếu. Bên cạnh đó, MWG cũng đang cân nhắc đóng khoảng 200 cửa hàng không hiệu quả.
Về phần Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, ông đã đăng ký mua 1 triệu cp vào đầu tháng 11. Trả lời câu hỏi trong buổi họp với các nhà phân tích, vị này đề cập đến khả năng doanh nghiệp cân nhắc mua cổ phiếu quỹ. “Lấy tiền đó gửi ngân hàng chả đáng bằng mua cổ phiếu quỹ nhằm tăng lợi ích cổ đông. Nhưng đây không phải vấn đề muốn hay không muốn… mà còn lệ thuộc vào tính khả thi của nó. Liệu chúng ta có dòng tiền đủ mạnh để mua cổ phiếu quỹ hay không” – ông nói.
Nguồn: Vietstock