THẾ GIỚI

Tài sản ở thị trường mới nổi giảm trong bối cảnh rủi ro về lãi suất

Chỉ số chứng khoán các thị trường mới nổi đã xóa bỏ mức tăng từ đầu năm tới nay và chỉ số tiền tệ cũng đạt mức thấp mới trong năm nay trong bối cảnh các tín hiệu cho thấy việc nới lỏng tiền tệ toàn cầu sẽ bị trì hoãn và quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn còn suy yếu.

Tài sản ở thị trường mới nổi suy giảm trong bối cảnh rủi ro về lãi suất

Tâm lý e ngại rủi ro đang bao trùm tài sản của các quốc gia đang phát triển khi thị trường tiền tệ liên tục đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sự đảo chiều này diễn ra sau dữ liệu doanh số bán lẻ của Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn mạnh mẽ bất chấp chi phí đi vay ở mức cao nhất trong 23 năm. Sự phục hồi liên tục của đồng đô la cũng gây thêm áp lực lên các đồng tiền ở các quốc gia phát triển.

Làn sóng bán tháo đã tăng nhanh sau khi Trung Quốc công bố số liệu tăng trưởng kinh tế hôm thứ Ba (16/4). Trong khi Trung Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên, các chi tiết cho thấy sự phục hồi có thể đã chững lại. Tăng trưởng doanh số bán lẻ sụt giảm trong tháng 3 và sản lượng công nghiệp không đạt dự báo.

Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao tại Swissquote Bank cho biết: “GDP tăng mạnh hơn dự báo của Trung Quốc có thể không thúc đẩy sự quan tâm đối với chứng khoán nước này, nhưng nó chắc chắn làm tăng lo ngại rằng tăng trưởng ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ thúc đẩy lạm phát toàn cầu và khiến các ngân hàng trung ương lớn phải suy nghĩ kỹ về kế hoạch cắt giảm lãi suất”.

Rủi ro đối với nền kinh tế Trung Quốc càng gia tăng sau khi Liên minh châu Âu tung ra một loạt hạn chế thương mại đối với nước này. Ngoài cuộc điều tra về trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện, khối này cũng đang xem xét nhắm vào ngành sản xuất tuabin gió của Trung Quốc. Liên minh châu Âu cũng đã tiến hành các cuộc điều tra trợ cấp đối với các công ty năng lượng mặt trời và đường sắt, đồng thời sẽ sớm tiến hành một cuộc điều tra về việc mua sắm thiết bị y tế của Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11 và gây ra làn sóng bán tháo trên khắp châu Á sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) bất ngờ ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày yếu hơn. Đồng rupiah của Indonesia có diễn biến tệ nhất trong số các đồng tiền ở các quốc gia thị trường mới nổi khi mất hơn 2% so với đồng đô la từ đầu năm tới nay.

Chỉ số Thị trường mới nổi của MSCI đã giảm 1,7% vào ngày 16/4, mức giảm lớn nhất kể từ ngày 17/1, hiện chỉ số này đang giảm hơn 1% từ đầu năm tới nay. Chỉ số tiền tệ thị trường mới nổi của MSCI cũng giảm 0,3% vào ngày 16/4, đưa mức giảm năm 2024 lên 1,8%. Đồng rupee của Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi đồng rand của Nam Phi có chuỗi giảm giá dài nhất trong bốn tuần.

Christophe Boucher, Giám đốc đầu tư tại ABN Amro Investment Solutions cho biết: “PBOC hành động trước Fed sẽ gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ và sẽ khuyến khích dòng vốn đầu tư chảy ra… Dữ liệu tăng trưởng của Trung Quốc cho thấy sự tăng trưởng không cân bằng. Điều này đòi hỏi ngân hàng trung ương phải hành động nhiều hơn, nhưng nhiệm vụ hiện đang trở nên khá khó khăn do việc xoay trục của Fed bị trì hoãn”.

Trên thị trường trái phiếu bằng đồng đô la, Sri Lanka dẫn đầu mức sụt giảm khi vòng đàm phán tái cơ cấu đầu tiên của nước này với các nhà đầu tư thất bại. Các nhà đầu tư cũng bán tháo trái phiếu của Pakistan, Angola, Nigeria và Ai Cập – những quốc gia có trái phiếu tăng giá trong những tháng gần đây trong bối cảnh cơn sốt trái phiếu lãi suất cao.

Tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng do căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, với việc các quan chức quân sự hàng đầu của Israel nói rằng quốc gia này không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả cuộc tấn công trực tiếp của Iran vào lãnh thổ của mình. Đồng shekel của Israel đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 17/1.

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button