Tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 12 năm.
Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê (GSO) họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng GSO cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.
-
(BCM) Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 7%
-
Kênh tiếp vốn cho thị trường bất động sản đến từ đâu trong mùa cuối năm?
Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê (GSO) họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội. Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng GSO cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng, GPD đạt mức tăng cao nhất trong 12 năm
GDP quý III tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh của quý III, giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục trưởng GSO Nguyễn Thị Hương cho biết đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 12 năm (giai đoạn 2011-2022), các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ cũng đã phát huy hiệu quả.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,26% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 44,46% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 5,59%, đóng góp 18,46%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,74%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 37,08%.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý III tăng mạnh nhất, ở mức 12,12%. Trong đó, ngành chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 7,71%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,03%; ngành khai khoáng tăng 4,42% so với cùng kỳ năm trước
Tham khảo thêm: Chứng khoán Mỹ hồi phục, Dow Jones tăng hơn 500 điểm
Mỗi tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động
GSO cho biết dấu hiệu rõ nhất cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế là theo thống kê 9 tháng đầu năm có 163.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, mỗi ngày có khoảng 600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong chiều ngược lại, 9 tháng, cả nước có 112.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của những doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III cho thấy có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý trước; 36,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Dự kiến quý IV, có 48,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý trước; 33,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Tổng cục trưởng GSO Nguyễn Thị Hương cho biết thêm khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước lạc quan nhất với 83,6% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ tốt hơn và giữ ổn định so với quý III; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp Nhà nước lần lượt là 80,9% và 79,1%.
Về vốn FDI thực hiện tại Việt Nam, GSO cho biết rằng đã đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm kể từ 2018.
Nguồn: Nguoidonghanh