DOANH NGHIỆP

Xuất khẩu “vàng đen” của Việt Nam sang một quốc gia châu Âu bất ngờ tăng hơn 21.000% chỉ trong nửa đầu năm

Đây là quốc gia tăng nhập khẩu loại khoáng sản của Việt Nam mạnh nhất trong nửa đầu năm 2023.

ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than các loại của Việt Nam trong tháng 6 đạt 151.943 tấn với kim ngạch hơn 54,5 triệu USD, tăng 79,1% về lượng và tăng 39,3% về trị giá so với tháng 5/2023. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu than các loại mang về hơn 78,7 triệu USD với 209.946 tấn, giảm mạnh 69,9% về lượng và giảm 65,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Mặc dù giảm mạnh cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022 cùng với các thị trường chủ đạo đều ghi nhận sụt giảm, một quốc gia châu Âu bất ngờ trở thành điểm sáng của ngành than Việt. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu than các loại sang Hà Lan đạt 21.615 tấn với kim ngạch hơn 8,8 triệu USD, tăng 9.297% về lượng và tăng 21.900% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, là quốc gia tăng nhập khẩu mạnh nhất than của Việt Nam.

Xuất khẩu “vàng đen” của Việt Nam sang một quốc gia châu Âu bất ngờ tăng hơn 21.000% chỉ trong nửa đầu năm

Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu than các loại sang Hà Lan chỉ chiếm chưa đến 1% cả về lượng lẫn kim ngạch trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2022, xuất khẩu than sang Hà Lan đã mang về hơn 4 triệu USD, như vậy kim ngạch trong nửa đầu năm đã gấp đôi so với kim ngạch trong cả năm 2022 cộng lại.

Tại Việt Nam, khoáng sản chiếm tỷ trọng cao trong công nghiệp, dùng để làm nhiên liệu, năng lượng, công nghệ khí hóa, hóa lỏng… Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam sẽ là một trong 5 nền kinh tế có mức tiêu thụ than đá cao nhất ở Đông Nam Á.

Theo Tổng cục Thống kê, trữ lượng than đá tại Việt Nam có khoảng 50 tỷ tấn. Quảng Ninh là một mỏ than quan trọng bậc nhất tại Việt Nam. Các mỏ than tại đây bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1839. Trữ lượng lên tới 8.7 tỉ tấn cùng vị trí sát biển thuận tiện cho việc vận chuyển than tới thị trường quốc tế đã giúp cho Quảng Ninh trở thành khu vực khai thác than hàng đầu cả nước.

Bộ Công Thương cho biết rằng dự kiến khả năng huy động than tăng trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 đạt từ 43-47 triệu tấn than thương phẩm/năm. Sau đó, giảm dần vào giai đoạn 2035-2045. Theo dự báo, nhu cầu than sẽ ngày càng tăng cao tới năm 2035 từ 94-127 triệu tấn/năm, chủ yếu do sự gia tăng nhu cầu cho sản xuất điện và các ngành kinh tế như xi măng, luyện kim, hóa chất, sau đó sẽ giảm dần còn từ 73-76 triệu tấn vào năm 2045.

Trong khi đó, than thương phẩm sản xuất trong nước chỉ duy trì khoảng 45-47 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn 42-44 triệu tấn/năm vào 2045. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu than phục vụ sản xuất, dự kiến sẽ phải nhập khẩu khoảng 50-83 triệu tấn vào giai đoạn 2025-2035 và giảm dần còn khoảng 32-35 triệu tấn vào năm 2045.

Nguồn: Vietstock

Related Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button