Giá điện tăng, doanh nghiệp nào trên sàn chứng khoán bị ảnh hưởng?
Giá điện tăng sẽ làm tăng giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các ngành sử dụng nhiều điện. Nếu doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, giá điện tăng có thể ăn mòn một phần lợi nhuận.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cho biết có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11. Theo đó, giá điện bán lẻ bình quân tăng thêm hơn 86,4168 đồng/kWh, từ 1.920,3732 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây đã là lần thứ 2 giá điện tăng trong năm nay, lần trước là vào đầu tháng 5 với mức tăng 3%.
Việc tăng giá bán lẻ điện nhìn chung sẽ ảnh hưởng đáng kể đến một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như Xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy. Trong báo cáo đánh giá tác động của việc tăng giá điện hồi tháng 5, Mirae Asset ước tính chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.
Riêng về lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14-15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9-10% giá vốn hàng bán. Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4-5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Thực tế, doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng qua đó có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, giá điện tăng có thể ăn mòn một phần không nhỏ lợi nhuận.
Mặt khác, Mirae Asset đánh giá việc tăng giá điện chưa tác động nhiều đến các doanh nghiệp sản xuất điện trong ngắn hạn bởi các thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Điển hình như Nhiệt điện Phả Lại, Quảng Ninh… những dự án lớn ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm, giá mua bán điện được đàm phán qua từng giai đoạn.
Trong khi đó, Mirae Asset nhận định việc tăng giá điện có thể tác động tích cực đối với những doanh nghiệp phân phối điện do hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng tăng.
Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỷ lệ cung cầu trên thị trường điện.
Nguồn: Cafe F