Ngành thép giữa “ma trận” chống bán phá giá: nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ, Hòa Phát vẫn giữ phong độ
Quý 3 xuất hiện nhiều doanh nghiệp thép báo lỗ, bất ngờ nhất là trường hợp của Hoa Sen Group. Không có doanh nghiệp thép nào lãi trên trăm tỷ, ngoại trừ Hòa Phát vẫn giữ phong độ.
Các khoản lỗ xuất hiện trên nhiều doanh nghiệp, bất ngờ nhất là trường hợp của Hoa Sen Group (HSG) . Hoa Sen lỗ sau thuế 186 tỷ đồng trong quý cuối cùng niên độ 2023-24, trong khi cùng kỳ niên độ trước có lãi 438 tỷ đồng. Ngay quý 2 trước đó, doanh nghiệp này vẫn còn lãi sau thuế 273 tỷ đồng.
Khoản lỗ nặng thứ 2 trong ngành đến thời điểm hiện tại thuộc về VNSteel (TVN) với lợi nhuận sau thuế âm 124 tỷ đồng. Số lỗ được thu hẹp so với cùng kỳ (lỗ 172 tỷ) nhưng tệ hơn nhiều so với mức lãi 130 tỷ đồng đạt được trong quý 2 trước đó. Một số cái tên khác cũng lỗ nặng có thể kể đến như Thép Tiến Lên (TLH) , Tisco (TIS) , SMC ,…
Hòa Phát (HPG) là cái tên hiếm hoi trong ngành thép giữ được phong độ với lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng trong quý 3. Con số này gấp rưỡi cùng kỳ 2023 nhưng thấp hơn gần 9% so với quý 2 trước đó. Ngoài Hòa Phát, không có doanh nghiệp thép nào trên sàn chứng khoán lãi ròng trên trăm tỷ trong quý vừa qua.
Tồn kho duy trì ổn định
Quý 3 chứng kiến các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán không có nhiều biến động về tồn kho. Tổng lượng tồn kho toàn ngành ước khoảng 75.000 tỷ đồng, tương đương cuối quý 2 trước đó. Con số này thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn chu kỳ bùng nổ của ngành thép từ năm 2021 đến đầu 2022.
Doanh nghiệp thép thận trọng tích trữ tồn kho trong bối cảnh giá thép có nhiều biến động khó lường. Sau giai đoạn lao dốc xuống đáy 8 năm hồi giữa tháng 8, giá thép thanh tương lai đã hồi phục mạnh mẽ trong nửa sau của quý 3. Hiện tại, giá thép thanh tương lai đang dừng ở mức 3.290 CNY/tấn, tăng 18% so với đáy cách đây hơn 2 tháng.
Xu hướng hồi phục của giá thép diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố kế hoạch tung ra gói kích thích tiền tệ lớn và quan trọng nhất kể từ thời Covid để ngăn chặn sự lao dốc không phanh của thị trường nhà ở. Theo MBS, giá thép có thể tiếp tục phục hồi dự báo chủ yếu do nguồn cung thắt chặt kể từ quý 4/2024.
Về nhu cầu, tiêu thụ thép có thể phục hồi trong ngắn hạn do một số thành phố như Thượng Hải và Giang Tô có kế hoạch tái thiết cơ sở hạ tầng. Giá thép nội địa có thể phục hồi kể từ quý 4/2024 do áp lực từ Trung Quốc giảm và nhu cầu cải thiện (nhờ nguồn cung thị trường nhà ở ấm lên và đẩy mạnh đầu tư công).
“Ma trận” chống bán phá giá
Tại họp báo thường kỳ quý III diễn ra chiều ngày 23/10, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, tình hình nhập khẩu thép tăng mạnh trong thời gian qua có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất trong nước. Trong nước, ngành sản xuất thép cán nóng (HRC) hiện có 2 doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 8,6 triệu tấn/năm, được tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác với tỷ lệ 50:50.
Do đó, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán giá đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
Trong trường hợp có đủ bằng chứng sơ bộ để xác định ngành sản xuất trong nước chịu tác động từ hàng nhập khẩu bị bán phá giá, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công thương xem xét áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước.
Trong thời gian chờ đợi quyết định quan trọng của Bộ Công thương, ngành thép Việt Nam đã đón nhận nhiều tin không vui đến từ các thị trường nước ngoài. Mới nhất vào đầu tháng 10, Cục Ngoại thương Thái Lan (Cơ quan điều tra) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép không gỉ cán nguội có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đó vào ngày 25/9, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam. Trong tháng 8, thép cuộn cán nóng có xuất xứ từ Việt Nam đã rơi vào danh sách điều tra chống bán phá giá của Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGTR) và Ủy ban châu Âu (EC).
💢 Tel: 0905 495 792 (Dr. Vũ)
💢 Website: 1/ https://phantichchungkhoan.net /
2/ icwealth.vn
💢 Email: Khoahocnghetrading@gmail.com
💢 Address: 42 Lê Đại, Phường Hòa Cường Bắc, Quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
🎯 Mở tài khoản chứng khoán: https://phantichchungkhoan.net/huong-dan-mo-tai-khoan-chung-khoan-don-gian- 📖 Khoá học Phân Tích Chứng Khoán: https://khoahoc.phantichchungkhoan.net/
– Group Facebook Phân Tích Chứng Khoán: https://www.facebook.com/groups/phantichchungkhoan.net
– Nhóm Zalo Chat: https://zalo.me/g/dcgkdf933
– Kênh tiktok : https://www.tiktok.com/@phantichchungkhoan.net
– Kênh Youtube : https://youtube.com/channel/UCAJpbWwiwgqQYaX2v9mtBrA